'Pháo đài chống dịch' trên đất thép Củ Chi

Nhờ sự kỷ luật, đồng thuận góp sức của mỗi người dân sống trên vùng đất thép Củ Chi và sự giám sát của cấp ủy các cấp đối với hoạt động phòng chống dịch, đến nay địa phương này đã khống chế được dịch bệnh và không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Huyện Củ Chi là một trong hai địa phương (bên cạnh Quận 7) của TP.HCM đã công bố kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Để làm được điều này là nhờ các xã, ấp đã thực hiện quyết liệt, linh hoạt các biện pháp phòng dịch; phát huy tinh thần “chiến sĩ” của mỗi người dân. Tinh thần của người chiến sĩ trong chống dịch, là sự tương thân tương ái, là sự chung tay góp sức bảo vệ vùng xanh trên địa bàn.

Đội xe 3T của xã Tân An Hội luôn bận rộn vận chuyển rau củ quả, túi an sinh về điểm tập kết và phân phát tận nhà cho người dân.

Đội xe 3T của xã Tân An Hội luôn bận rộn vận chuyển rau củ quả, túi an sinh về điểm tập kết và phân phát tận nhà cho người dân.

Giám đốc làm đội trưởng đội xe tình nguyện

Trong khuôn viên Nhà hàng Kim Mã 2 ở “pháo đài chống dịch xã Tân An Hội” nằm trên Tỉnh lộ 8, một chiếc ô tô chậm rãi lăn bánh vào khu vực sân. Xe dừng lại, 3 thanh niên trên ô tô khệ nệ chuyền tay những chùm dừa, nải chuối mà người dân trên địa bàn ủng hộ xuống điểm tập kết. Số hoa quả này được bà Võ Thị Nương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân An Hội cùng cán bộ công chức xã chia đều ra từng phần. Những phần quà này cùng với gạo, dầu ăn, mắm muối đã đóng sẵn sẽ được “đội xe 3T” chở đến các ấp nơi mà người dân đang thực hiện chủ trương “ai ở đâu thì ở đấy”.

"Đội xe 3T" do anh Nguyễn Văn Quan – Giám đốc Công ty Quan Bảo làm đội trưởng có 3 xe tải, 10 xe bán tải đều do doanh nghiệp và người dân trên địa bàn cho mượn. Gọi là “đội xe 3T” bởi, người cho mượn xe tự lái, tự bỏ tiền đổ xăng và cũng tự làm luôn khâu bốc xếp hàng hóa.

Bà Võ Thị Nương phân chia rau củ quả của nhà hảo tâm ủng hộ thành từng phần để phát cho người dân.

Bà Võ Thị Nương phân chia rau củ quả của nhà hảo tâm ủng hộ thành từng phần để phát cho người dân.

"Mỗi ngày chúng tôi cứ đến 8h là có mặt tại đây. Tất cả nhận hàng bốc, ship hàng. Nhiều hôm đến 7-8h tối mới về. Bằng mọi giá phải nhanh nhất để đem quà đến cho bà con. Dù mấy bữa mưa tầm tã chúng tôi vẫn đi phát bình thường. Vừa đến nhà trọ người dân mừng rỡ ra nhận quà, mình cảm thấy hết mệt", anh Nguyễn Văn Quan chia sẻ.

Xã Thái Mỹ là địa phương duy nhất của huyện Củ Chi tiếp giáp hai huyện Đức Hòa của Long An và thị xã Trảng Bàng của Tây Ninh. Nơi đây địa hình rộng, thưa dân lưu lượng giao thông đi lại khá đông. Thực hiện chủ trương mạnh mẽ hơn trong giãn cách xã hội, xã Thái Mỹ đã lập 23 chốt kiểm soát, trong đó có 1 chốt liên ngành của huyện, 7 chốt của xã, còn lại là của các ấp. Việc người ra người vào xã đều được lực lượng chức năng ghi chép lại hành trình. Một số người dân làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Tây Ninh sau khi về nhà thì được đón ngay tại chốt, kiểm soát y tế và đưa đi cách ly theo dõi 7 ngày.

Đề phòng người lạ có thể "lách" qua đoạn hở để ra vào khu dân cư, ông Nguyễn Minh Phúc - người dân ấp Tây, xã Tân An Hội- đã dùng khúc cây rào chắn lại tuyến đường dẫn vào thôn mình.

Đề phòng người lạ có thể "lách" qua đoạn hở để ra vào khu dân cư, ông Nguyễn Minh Phúc - người dân ấp Tây, xã Tân An Hội- đã dùng khúc cây rào chắn lại tuyến đường dẫn vào thôn mình.

Thái Mỹ là xã đầu tiên của huyện Củ Chi là “xã xanh”. Tính từ đầu đợt dịch đến nay, toàn xã chỉ có 21 ca F0 nhưng đã khỏe mạnh và trở về nhà; 4 ca F0 đang được điều trị tại bệnh viện. Xã cũng là địa phương có số người tiêm vaccine đạt 97% mũi 1, gần 3% mũi 2.

Bà Lê Ngọc Sương – Chủ tịch UBND xã, Phó Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch xã Thái Mỹ cho biết: Để giữ “xã xanh”, “ấp xanh” ngoài thực hiện quyết liệt các chỉ đạo về phòng dịch thì sự đồng lòng chung tay của người dân hết sức quan trọng.

Giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Tây Ninh nhưng xã Thái Mỹ vẫn giữ vững "xã xanh" của huyện Củ Chi.

Giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Tây Ninh nhưng xã Thái Mỹ vẫn giữ vững "xã xanh" của huyện Củ Chi.

"Ở đâu có trường hợp người về địa bàn, nhiều khi chính quyền không hay nhưng bà con biết và báo ngay cho. Khi đó chúng tôi cho người đến xác minh. Nếu là người dân của mình thì hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch. Còn nếu không phải là người địa phương thì mình trả về cho địa phương khác. Chính vì vậy mình kiểm soát tốt được địa bàn và không để chuỗi lây nhiễm nơi khác về địa bàn", bà Sương cho biết.

Xã Tân An Hội và xã Thái Mỹ là hai trong số hàng chục “pháo đài chống dịch” trên vùng đất thép Củ Chi. Dù là vùng nông thôn đặc thù, địa hình phức tạp tiếp giáp với nhiều tỉnh như: Tây Ninh, Long An, Bình Dương… hay các điểm nóng về dịch trên địa bàn TP.HCM song tính kỷ luật trong công tác phòng chống dịch; phát huy tinh thần “chiến sĩ” của mỗi người dân để bảo vệ vùng xanh đã giúp địa phương kiểm soát tốt được dịch. Bên cạnh đó, sự chung tay, góp sức của người dân trong công tác hỗ trợ an sinh đã giúp mọi người yên tâm thực hiện các quy định phòng chống dịch.

Thiết lập, kiểm soát nghiêm ngặt tại các chốt đã giúp các địa phương huyện Củ Chi kiểm soát tốt được dịch.

Thiết lập, kiểm soát nghiêm ngặt tại các chốt đã giúp các địa phương huyện Củ Chi kiểm soát tốt được dịch.

Để tạo được niềm tin sự đồng lòng của quần chúng, nhân dân trong công tác chống dịch không chỉ là thực hiện các biện pháp tuyên truyền mà còn bằng tinh thần trách nhiệm, sự minh bạch của chính quyền địa phương. Mỗi ngày, huyện Củ Chi đều đưa lên mạng “biểu đồ an sinh”. Biểu đồ có hai cột màu xanh và màu đỏ. Màu xanh biểu thị cho số lượng túi an sinh đã được cấp phát hàng ngày, cột màu đỏ là chưa cấp phát. Biểu đồ giúp lãnh đạo huyện kiểm tra được tiếp độ chăm lo cho người dân; người dân có thể định vị được tình trạng gói an sinh xã hội trên địa bàn xã, ấp của mình đang ở tình trạng nào.

Bí thư xã làm chỉ huy trưởng pháo đài chống dịch

Bên trong các “pháo đài chống dịch” ở huyện Củ Chi, từ ban thường vụ đảng ủy xã đến lực lượng cán bộ chủ chốt đều tham gia vào Trung tâm Chỉ huy pháo đài chống dịch do Bí thư Đảng ủy xã làm chỉ huy trưởng. Mỗi sáng, trung tâm sẽ có những đánh giá công tác phòng chống dịch, những việc làm tích cực thì tiếp tục chủ động triển khai nhân rộng ngay, cái nào chưa được thì tìm ra nguyên nhân và bàn giải pháp triển khai tốt hơn.

Không có chợ truyền thống, các đội hình "đi chợ hộ" ở một số xã đã đến tận các nhà vườn để mua rau củ quả, vừa đảm bảo được lương thực thực phẩm cho người dân, vừa tiêu thụ được nông sản mùa dịch.

Không có chợ truyền thống, các đội hình "đi chợ hộ" ở một số xã đã đến tận các nhà vườn để mua rau củ quả, vừa đảm bảo được lương thực thực phẩm cho người dân, vừa tiêu thụ được nông sản mùa dịch.

Ông Nguyễn Văn Trỗi – Bí thư Đảng ủy xã Tân An Hội cho biết: "Trọng tâm nhất là chủ quan của chúng ta, phải bàn ra giải pháp để tổ chức thực hiện tốt hơn. Dựa trên một số phản ánh của nhân dân; tổ công tác của huyện ủy kiểm tra đánh giá hàng ngày; tổ kiểm tra của ban chấp hành đảng bộ xã; đánh giá của dư luận xã hội về công tác phòng chống dịch bệnh của xã".

Quyết liệt trong thực hiện các biện pháp, linh hoạt trong thực hiện các chỉ thị nên các xã ở huyện Củ Chi đã xây dựng nên mô hình đi chợ đặc thù với gói combo cuốn chiếu- hôm nay ấp này, ngày mai ấp kia; giải cứu được nông sản cho bà con mùa dịch… Chính vì vậy mà người dân ở huyện Củ Chi rất yên tâm và đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng chống dịch.

Một sạp bán thịt heo được đặt ngay nhà văn hóa ấp Tây, người dân có nhu cầu gọi điện đặt là được các tình nguyện viên giao hàng ngay.

Một sạp bán thịt heo được đặt ngay nhà văn hóa ấp Tây, người dân có nhu cầu gọi điện đặt là được các tình nguyện viên giao hàng ngay.

Bà Ngô Thị Quyên ngụ ở ấp Bình Hạ Tây, xã Thái Mỹ ở vùng giáp ranh Tây Ninh và Long An bày tỏ, rất an tâm khi thấy lực lượng làm công tác phòng chống dịch rất nghiêm túc, nghiêm khắc không cho người dân địa phương qua lại.

"Người dân rất an tâm, không lo lắng thiếu lương thực. Ấp lo cũng đầy đủ, rau củ quả đầy đủ cho người dân không thiếu gì hết, người dân cũng an tâm...", bà Quyên nói.

Đến nay, huyện Củ Chi đã kiểm soát được dịch bệnh, các chuỗi lây nhiễm trên địa bàn đã bị chặt đứt không còn lây lan ra cộng đồng. Người dân cũng đã tiêm vaccine mũi 1 đạt trên 94%. Huyện đang đẩy nhanh việc tiêm phủ vaccine với mục tiêu đến ngày 15/9 sẽ phủ 100% vaccine mũi 1, 70% vaccine mũi 2.

Có được kết quả trên là nhờ sự kỷ luật, sáng tạo trong thực hiện chủ trương, sự đồng thuận góp sức của mỗi người dân sống trên vùng đất thép Củ Chi. Và nhất là sự giám sát của cấp ủy các cấp đối với hoạt động phòng chống dịch./.

Việt Đức - Tỷ Huỳnh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phao-dai-chong-dich-tren-dat-thep-cu-chi-889371.vov