Pháo hoa có thể gây tai nạn cho mắt, chơi thế nào để an toàn?

Pháo hoa có thể được quảng cáo như đồ chơi vào dịp lễ Tết, lễ hội… nhưng chúng có thể gây ra những vết thương trầm trọng ở mắt.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, pháo hoa có thể làm vỡ nhãn cầu, gây bỏng hóa chất và bỏng nhiệt, trầy xước giác mạc và bong võng mạc... có thể gây tổn thương mắt vĩnh viễn và mất thị lực.

Trẻ em và thanh niên là nạn nhân thường xuyên. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ, trẻ em từ 15 tuổi trở xuống chiếm 36% tổng số thương tích. ½ số ca chấn thương cần đến phòng cấp cứu là ở những người từ 20 tuổi trở xuống.

Pháo hoa nguy hiểm vì chúng cháy ở hơn 1.000 độ C. Những người bị thương do pháo hoa không nhất thiết phải là người vận hành cuộc chơi. Trên thực tế, 65% số người bị thương do pháp hoa là những người đi xem.

Không nên cho trẻ nhỏ chơi pháo hoa.

Không nên cho trẻ nhỏ chơi pháo hoa.

1. Làm gì khi bị chấn thương mắt do pháo hoa?

Chấn thương mắt liên quan đến pháo hoa có thể kết hợp chấn thương do vật tù, bỏng nhiệt và tiếp xúc với hóa chất. Khi chấn thương mắt do pháo hoa xảy ra cần được cấp cứu kịp thời.

Nạn nhân nên được:

Chăm sóc y tế ngay lập tức.
Đừng dụi mắt.
Đừng tự rửa mắt
Không nên đè ép vào mắt.
Không tự loại bỏ dị vật bị kẹt trong mắt.
Không bôi thuốc mỡ hoặc uống bất kỳ loại thuốc giảm đau làm loãng máu nào như aspirin hoặc ibuprofen trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

2. Mẹo an toàn với pháo hoa

Cách tốt nhất để tránh chấn thương do pháo hoa là nên tham dự buổi trình diễn pháo hoa công cộng, chuyên nghiệp thay vì mua pháo hoa để tự sử dụng tại nhà.

Nếu bạn tham dự hoặc sống gần một buổi trình diễn pháo hoa chuyên nghiệp cần:

Tôn trọng các hàng rào an toàn, làm theo tất cả các hướng dẫn an toàn và xem pháo hoa từ khoảng cách ít nhất 150 m.
Không chạm vào pháo hoa chưa nổ. Nếu nhặt được pháo chưa nổ hãy liên hệ ngay với lực lượng cứu hỏa hoặc cảnh sát để được giúp đỡ.
Tất cả các chuyên gia và người ngoài cuộc nên đeo kính bảo vệ mắt.

Đối với những người quyết định mua và sử dụng pháo hoa:

Không cho trẻ nhỏ chơi pháo hoa.
Trẻ lớn hơn chỉ được phép sử dụng pháo hoa dưới sự giám sát chặt chẽ của người lớn.
Nên bắn pháo hoa ngoài trời ở khu vực quang đãng, cách xa nhà cửa, lá khô, cỏ và các vật liệu dễ cháy khác.
Để một xô nước gần đó phòng trường hợp khẩn cấp và để đổ vào pháo hoa không bắt lửa hoặc phát nổ.
Đừng cố gắng đốt lại hoặc xử lý pháo hoa bị trục trặc hoặc "dở chứng". Thay vào đó là ngâm chúng vào nước và vứt chúng đi.
Đảm bảo những người xem phải ở ngoài phạm vi trước khi đốt pháo hoa.
Không bao giờ đốt pháo hoa trong vật chứa, đặc biệt là vật chứa bằng thủy tinh hoặc kim loại.
Bảo quản pháo hoa ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Kiểm tra hướng dẫn để biết cách lưu trữ đặc biệt.
Tuân thủ luật pháp của nơi cư trú
Không bao giờ để bất kỳ bộ phận nào của cơ thể tiếp xúc trực tiếp trên pháo hoa trong khi đốt.
Không thử nghiệm với pháo hoa tự chế.

BS. Hoàng Cương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phao-hoa-co-the-gay-tai-nan-cho-mat-choi-the-nao-de-an-toan-169230118141915945.htm