'Pháo sáng' và sự gieo rắc 'bóng tối' đến bóng đá Việt
Trong khuôn khổ giải bóng đá V-League 2019, tối 11/9 đã diễn ra trận Hà Nội FC và Nam Định trên sân vận động Hàng Đẫy với kết quả thắng đậm 6-1 nghiêng về đội chủ nhà. Tuy nhiên, điều đáng nói và khá bất bình thườnglà sau trận đấu, các bình luận của giới chuyên môn không phải nhằm vào tỉ số cách biệt để mổ xẻ, phân tích mà tiêu điểm được chú ý, được nhắc nhiều đến là… pháo sáng!.
Pháo sáng đã khiến trận đấu bị gián đoạn. Pháo sáng đã khiến đã khiến sân vận động hỗn loạn. Và nguy hiểm hơn, pháo sáng đã khiến một nữ cổ động viên bị thương với những vết máu loang đủ để khiến bất kỳ ai nhìn vào thấy sợ hãi, rùng mình và lo lắng cho chính bản thân mình.
Pháo sáng đã làm lu mờ những thiện cảm, hình ảnh đẹp của cổ động viên từng là nguồn cổ vũ tinh thần quan trọng cho đội bóng mình yêu thích.
Nhưng sâu xa hơn, tác hại của pháo sáng không chỉ ở ngay thời điểm xảy ra hoặc kéo dài sau đó với những án phạt, sự hồi phục của vết thương mà nó còn tác động đến tâm lý của cổ động viên – những người đã hết lòng, luôn sát cánh trong những trận đấu bóng đá. Chắc chắn sau trận bóng đáng nhớ này người ta sẽ còn nhắc đến cụm từ pháo sáng này nhiều lần, nhiều dịp như một "vết nhơ" của bóng đá trong nước. Bởi nếu không lên án, ngăn chặn mạnh mẽ tình trạng đốt pháo sáng trên khán đài thì những nỗ lực kéo khán giả đến sân, các cầu thủ thăng hoa trong tiếng reo hò cổ vũ để cống hiến hết mình sẽ đổ xuống sông xuống biển.
Đã có thời gian dài các sân vận động bóng đá lâm vào cảnh "đìu hiu chợ chiều" vì thưa thớt khán giả. Cho đến khi đội bóng đá U23 Việt Nam trở về từ Thường Châu, Trung Quốc với chiếc huy chương bạc lịch sử đã khiến tình yêu bóng đá từng bị ẩn lấp trong thẳm sâu mỗi con người bừng tỉnh và trỗi dậy. Một hiệu ứng đầy lạc quan, hứng khởi khi người hâm mộ đã kéo nhau tới sân đông đảo đã trở thành sự kiện khiến truyền thông không thể không nhắc tới. Họ đến sân không chỉ được chứng kiến sự thay đổi của bóng đá nước nhà với "bóng đá sạch", với những lứa cầu thủ tài năng, có sự đầu tư bài bản mà còn để nhìn thấy, trông thấy những gương mặt cầu thủ mình yêu thích, ngưỡng mộ. Bởi vậy sự hỗn loạn của những quả pháo sáng đầy chủ đích, thiếu văn minh, đầy ức chế… chẳng khác nào sự khủng bố và gieo rắc bóng tối cho bóng đá. Quả pháo sáng liệu có thể khiến những nỗ lực, tâm huyết vì bóng đá của biết bao người trở nên lãng phí? Người hâm mộ sẽ lo sợ, cân nhắc khi đến sân vận động để cổ vũ trước nguy cơ pháo sáng sẽ gây ra tai nạn đáng tiếc. Và liệu họ có suy nghĩ ở nhà xem qua màn hình ti vi cho lành?
Nhiều bài học nhỡn tiền về sự quá khích, không đẹp của cổ động viên cả trong nước và trên thế giới đã từng là nỗi kinh hoàng của không ít người. Thậm chí vì những hành động đáng lên án đó đã khiến ngay chính đội bóng mình yêu thích phải nộp phạt, mất quyền thi đấu trên sân nhà, gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho các cầu thủ khi ra sân. Vậy thì những người được gọi là cổ vũ, động viên chẳng khác nào phá hoại, chẳng khác nào "yêu nhau như thế bằng mười hại nhau".
VFF đã rất nhiều lần phải đóng phạt lên tới cả trăm ngàn USD, thậm chí đối mặt với nhiều khuyến cáo cấm các đội tuyển tham dự những giải đấu quan trọng vì pháo sáng. Giờ đây bóng đá Việt Nam đang hướng tới tương lai tươi sáng với thế hệ cầu thủ tài năng. Sân chơi châu lục, Word Cup... đang chờ bóng đá Việt chinh phục. Tương lai ấy không cần có pháo sáng, không cần những cổ động viên phá hoại như thế.
Và các cầu thủ cũng không cần những màm cổ động kiểu khủng bố, phá hoại như thế.
Để chấm dứt tình trạng pháo sáng hoành hành trên các khán đài, bên cạnh ý thức của cổ động viên về tác hại của pháo sáng, bên cạnh những án phạt của VFF, đã đến lúc cần phải có một bản án thích đáng dành cho những kẻ núp dưới danh nghĩa cổ động viên, nhân danh tình yêu với môn thể thao vua để phá hoại bóng đá, coi rẻ tính mạng người khác.