Pháp bầu cử địa phương trong lúc dịch Covid-19 hoành hành

Bắt đầu từ 8 giờ sáng 15-3, hơn 47 triệu cử tri Pháp đủ tiêu chuẩn được kêu gọi tham gia bỏ phiếu vòng một cuộc bầu cử cấp địa phương để bầu ra các thị trưởng, quận trưởng, xã trưởng và các ủy viên hội đồng địa phương của hơn 35 nghìn thành phố, thị trấn, xã, phường trên toàn nước Pháp với nhiệm kỳ sáu năm. Theo lịch, vòng bầu cử thứ hai sẽ diễn ra ngày 22-3 tới.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp do dịch Covid-19.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp do dịch Covid-19.

Tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp lịch sử

Cuộc bầu cử diễn ra chỉ 12 giờ sau khi Thủ tướng Edouard Phillippe tuyên bố đưa ra các biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 như: đóng cửa tất cả các nhà hàng, các cửa hàng kinh doanh, rạp chiếu phim, trừ các hiệu thuốc, siêu thị, ngân hàng, trạm xăng. Tất cả các cuộc tụ tập trên 100 người cũng bị cấm.

Các địa điểm bỏ phiếu mở cửa từ 8h sáng và đóng cửa vào lúc 18 giờ ở các địa phương, tỉnh nhỏ. Tại các thành phố lớn như: Paris, Marseille, Bordeaux, Nantes, Toulouse, Lille, Cannes, Montpellier, Nice hay Grenoble, các địa điểm bỏ phiếu mở cửa cho tới 20 giờ.

Theo quan sát của chúng tôi tại một địa điểm bỏ phiếu, nhà chức trách đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để giảm thiểu khả năng lây nhiễm Covid-19 như khi vào và ra khỏi phòng bỏ phiếu cử tri phải rửa tay bằng nước tiệt trùng đặt trên bàn, đeo găng tay, mỗi người mang theo một cây bút (hoặc được cấp bút đã khử trùng), giữ khoảng cách an toàn tối thiểu một mét, người 70 tuổi trở lên được ưu tiên không phải xếp hàng, các vị trí đứng khi xếp hàng được đánh dấu bằng băng dính trên sàn.

Tuy nhiên, theo kết quả thăm lúc 12 giờ trưa trên các phương tiện truyền thông của Pháp cho biết, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất thấp, chỉ đạt 18,38%, thấp hơn 4,8% so với cuộc bầu cử địa phương năm 2014. Đây được coi là tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp nhất được ghi nhận tại các cuộc bầu cử cấp địa phương kể từ năm 1971 tại Pháp.

Vào lúc 20 giờ, theo ước tính của Hãng thăm dò Ipsos/Sopra Steria, cho biết, số cử tri vắng mặt lên tới 54,5%, mức thấp nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử địa phương. Năm 2014, tỷ lệ vắng mặt là 36,45 %.

Paris luôn được coi là "kinh đô ánh sáng" của thế giới, là trung tâm chính trị, văn hóa không chỉ của Pháp mà còn có tầm ảnh hưởng đến châu Âu và thế giới. Vì vậy, ai là người dẫn đầu trong cuộc bầu cử tại Paris được coi là rất quan trọng đối với các đảng của Pháp.

Tại Paris, không nằm ngoài dự đoán, theo Ipsos/Sopra Steria, ứng cử viên Anne Hidalgo thuộc Đảng Xã hội (PS) Thị trưởng Paris sắp mãn nhiệm, dẫn đầu với 30,2% số phiếu bầu, xếp thứ hai là Rachida Dati, thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) giành được 22%, về thứ ba là bà Agnes Buzyn, thuộc đảng cầm quyền Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) giành được 17,6% số phiếu, David Belliard thuộc đảng Xanh và Sinh thái châu Âu (EELV) được 11,6 % số phiếu…

Một ứng cử viên đáng chú ý khác là đương kim Thủ tướng Edouard Philippe (LREM) dẫn đầu tại cuộc bầu cử địa phương ở thành phố Havre, với 43% số phiếu bầu.

Do đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, một số chính trị gia đối lập như bà Marine Le Pen, Chủ tịch Đảng Tập hợp quốc gia, François Bayrou, Đảng Phong trào Dân chủ (MoDem)... đã kêu gọi chính phủ hoãn cuộc bầu cử cấp địa phương vòng hai vào ngày 22-3 tới. Tuy nhiên, chính phủ chưa có bình luận về những đề nghị trên.

Bầu Thị trưởng Paris như thế nào?

Trong tuần sau khi diễn ra vòng bầu cử thứ hai (muộn nhất là ngày 29-3), Hội đồng thành phố Paris, gồm 163 ủy viên hội đồng mới, sẽ họp tại Tòa thị chính để bầu Thị trưởng Paris. Việc bỏ phiếu diễn ra bởi đa số tuyệt đối.

Điều này có nghĩa là cần phải có được sự ủng hộ của ít nhất 82 ủy viên Hội đồng Paris trong số 163 người. Trong vòng đầu tiên và vòng hai, ứng cử viên nào nhận được đa số, hơn 50% số phiếu, sẽ được bầu làm Thị trưởng Paris.

Trong trường hợp không ứng viên nào nhận được đa số trong hai vòng đầu, ứng viên nào nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong vòng ba sẽ được bầu làm Thị trưởng Paris.

Cũng trong dịp này, các đại biểu sẽ bầu ra các phó thị trưởng.

ĐÌNH TUẤN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43626302-phap-bau-cu-dia-phuong-trong-luc-dich-covid-19-hoanh-hanh.html