Pháp: Các đảng cánh tả hợp lực trước thềm bầu cử quốc hội
Dù hiện còn quá sớm để đưa ra dự đoán kết quả của cuộc bỏ phiếu nhưng giới quan sát tin rằng liên minh cánh tả sẽ khó có khả năng giành được đa số phiếu.
Các đảng cánh tả đối lập ở Pháp đang tìm cách hợp tác và đề cử các ứng cử viên chung trong cuộc bầu cử quốc hội sớm dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Dù hiện còn quá sớm để đưa ra dự đoán kết quả của cuộc bỏ phiếu nhưng giới quan sát tin rằng liên minh cánh tả sẽ khó có khả năng giành được đa số phiếu.
Tuy nhiên, liên minh này vẫn có thể tập hợp đủ số phiếu bầu để ngăn chặn một trong hai phe lớn hơn đề cử vị trí thủ tướng trái với mong muốn của phe cánh tả.
Trong thông cáo chung vào tối 10/6, các đảng xã hội, đảng xanh, đảng “Nước pháp bất khuất" (France Unbowed) cứng rắn hơn và các đảng cộng sản đã kêu gọi tập hợp trên một nền tảng chung để tạo thế đối trọng với những phe chính trị còn lại.
Trước đó, khối này từng có lần phối hợp trong chiến dịch tranh cử quốc hội Pháp năm 2022, song khó khăn trong vấn đề lãnh đạo và bất đồng chính sách đã dẫn đến rạn nứt trong liên minh.
Trong lần kết hợp này, các đảng sẽ phải đưa ra danh sách ứng cử viên trước cuối tuần và cho đến nay, phe cánh tả vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, lãnh đạo đảng Xanh Yanick Jadot cho rằng cần phải hành động, tạo sự thay đổi cục diện chính trường Pháp và sự hợp nhất này chính là bước đi đầu tiên.
Ngày 9/6 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội và đề nghị tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi liên minh ôn hòa của ông thất bại trước lực lượng cánh hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Tổng thống Macron ấn định cuộc bầu cử hạ viện sẽ được tổ chức vào ngày 30/6 và vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7/7.
Theo kết quả thăm dò ý kiến đầu tiên được công bố ngày 10/6, đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) được dự đoán sẽ giành nhiều phiếu bầu nhất nhưng không giành được đa số tuyệt đối.
Ngày 11/6, cựu Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã kêu gọi các lực lượng ôn hòa của đất nước, từ những người theo chủ nghĩa xã hội đến những người bảo thủ, cùng hợp lực để “xây dựng điều gì đó có lợi cho đất nước”./.