Pháp cam kết hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải trong lĩnh vực đường sắt

Chiều 17/1, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức họp báo 'Triển vọng hợp tác Pháp - Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt', nhân chuyến công tác tại Việt Nam của Công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF).

Phát biểu tại sự kiện, bà Marie Keller - Phó Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã chia sẻ về tầm nhìn và cam kết của Pháp nhằm đưa ra các giải pháp về giao thông đường sắt đổi mới và bền vững, bao gồm Chương trình chiến lược hợp tác Pháp - Việt Nam (PSG) và vai trò trung tâm của công nghệ mũi nhọn trong khuôn khổ phát triển các tuyến đường sắt cao tốc.

Các đại diện của Pháp tại buổi họp báo

Các đại diện của Pháp tại buổi họp báo

Theo ông Hervé Conan - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải trong ngành giao thông, trong đó có lĩnh vực đường sắt. Pháp cam kết triển khai hỗ trợ đội ngũ tư vấn kỹ thuật với các dự án tại Việt Nam.

Ông Hervé Conan cũng thông tin chi tiết hỗ trợ của AFD cho lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam, đặc biệt thông qua ký kết một ý định thư với Bộ Giao thông vận tải. Sự hỗ trợ này bao gồm cả tài trợ dự án, hỗ trợ kỹ thuật và công tác xác định quỹ chuyên môn kỹ thuật.

Chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong việc phát triển đường sắt tốc độ cao, ông Diego Diaz - Tổng Giám đốc SNCF nhấn mạnh, đường sắt tốc độ cao là công trình có thời gian phục vụ từ 50-100 năm nên cần có tầm nhìn cụ thể về vấn đề khai thác và vận hành.

Ông khẳng định: “Ngoài những tác động về giao thông và giảm phát thải, đường sắt tốc độ cao tạo ra nhiều công ăn việc làm như chuyên môn kỹ thuật công nghệ cao, máy tính, điều khiển... Pháp có nhiều kinh nghiệm đường sắt tốc độ cao tại nhiều quốc gia nhưng chưa có dự án nào tại Việt Nam nên cần có sự hợp tác chia sẻ để có thể học hỏi kinh nghiệm về dự án này”.

Trả lời câu hỏi về việc liệu Việt Nam có thể nội địa hóa hợp phần nào trong dự án đướng sắt tốc độ cao Bắc Nam, ông Diego Diaz cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao có nhiều hợp phần từ khâu duy tu bảo trì cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có thể phát triển ngay từ đầu để tăng cường năng lực trong nước.

Theo ông Diego Diaz, Việt Nam có thể sản xuất các thanh tà vẹt và dần dần làm chủ các công nghệ khác. Còn những hệ thống phức tạp khác trong vận hành cần có thời gian dài để tiếp nhận, làm chủ công nghệ, ví dụ như hệ thống tín hiệu đường sắt.

Ông Hervé Conan cho rằng, đường sắt tốc độ cao cần thiết phải có nhóm chuyên gia cao cấp hàng đầu trong giai đoạn chuẩn bị. Pháp sẽ đưa ra khuyến nghị về mặt kinh tế, tài chính và các chuyên gia cố vấn cho ngành đường sắt Việt Nam.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phap-cam-ket-ho-tro-viet-nam-giam-phat-thai-trong-linh-vuc-duong-sat-169027.html