Pháp cấm sử dụng điện thoại thông minh trong nhà trường kể từ năm học mới

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, những học sinh sử dụng điện thoại nhiều sẽ có kết quả học tập kém hơn. Do đó bắt đầu từ năm học tới, giống một số quốc gia châu Âu khác như Italia, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha hay Hà Lan, Pháp cũng ban hành quy định cấm sử dụng điện thoại di động thông minh trong phạm vi trường học.

Theo nghiên cứu, điện thoại thông minh gây ra nhiều tác động có hại đến trẻ em: gây mất tập trung trong học tập, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của học sinh, nguy cơ trở thành một phương tiện gây quấy rối trên mạng. (Ảnh: TF1)

Theo nghiên cứu, điện thoại thông minh gây ra nhiều tác động có hại đến trẻ em: gây mất tập trung trong học tập, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của học sinh, nguy cơ trở thành một phương tiện gây quấy rối trên mạng. (Ảnh: TF1)

Ngày 27/8, tại Hội nghị giáo dục chuẩn bị cho năm học mới, Bộ trưởng Giáo dục quốc gia Pháp, bà Nicole Belloubet cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm quy định cấm sử dụng điện thoại di động thông minh trong hơn 200 trường tiểu học và trung học cơ sở, trước khi đi tới một lệnh cấm hoàn toàn trong nhà trường vào tháng 1/2025.

Cụ thể, học sinh sẽ phải để điện thoại di động thông minh của mình trong tủ cá nhân có khóa trước khi vào lớp. Theo Đài truyền hình Pháp BFMTV, trước đây học sinh vẫn có thể mang theo điện thoại di động bên mình, nhưng không được phép sử dụng trong lớp học.

Thực tế, một số trường trung học cơ sở trong hệ thống giáo dục công lập Pháp đã áp dụng biện pháp này từ vài năm qua.

Một số trường học từ cấp tiểu học cho tới trung học phổ thông, đã thử nghiệm quy định mới này từ trước kỳ nghỉ hè vừa qua và thấy có những hiệu quả ban đầu đáng khích lệ. Trung bình thời gian sử dụng điện thoại của học sinh đã giảm xuống chỉ còn 5 giờ mỗi ngày, so với 7 giờ 22 phút trước đây.

Nhiều quốc gia châu Âu đã và đang thực hiện biện pháp cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp. (Ảnh: Courrier International)

Nhiều quốc gia châu Âu đã và đang thực hiện biện pháp cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp. (Ảnh: Courrier International)

Tại Bỉ, học sinh cũng sẽ bị cấm sử dụng điện thoại trong lớp kể từ năm học mới này. Quy định này được áp dụng tại 373 cơ sở giáo dục với khoảng 132.600 học sinh ở vùng Wallonie-Bruxelles, cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp.

Theo dòng đăng tải trên mạng xã hội X của bà Valerie Glatigny, Bộ trưởng Giáo dục và Giảng dạy thúc đẩy xã hội của Liên đoàn Wallonie-Bruxelles, việc cấm sử dụng điện thoại trong phạm vi trường học sẽ cho phép các học sinh “trò chuyện cùng với nhau”, thay vì ngồi bấm điện thoại, từ đó cũng tránh được mọi tình huống quấy rối trên không gian mạng.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của báo Le Soir, ông Julien Nicaise, Giám đốc điều hành Mạng lưới giáo dục Wallonie-Bruxelles, cho biết: Bên cạnh những nguy cơ có thể bị quấy rối trên không gian mạng, nhiều nghiên cứu còn cho thấy hậu quả của việc tiếp xúc quá nhiều với điện thoại đối với sức khỏe và môi trường học đường.

Do đó, lệnh cấm sử dụng điện thoại thông minh được đưa ra trong “Tuyên bố Chính sách cộng đồng của Chính phủ Bỉ mới” nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân và các chuyên gia.

Đầu năm nay, Chính phủ Hà Lan cũng đưa ra thông báo: Kể từ ngày 1/1/2024, điện thoại di động, máy tính bảng và đồng hồ kết nối sẽ bị cấm trong lớp học, ngoại trừ trong các giờ học kỹ thuật số và những học sinh có nhu cầu vì lý do y tế.

Ông Robbert Dijkgraaf, Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan giải thích: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy điện thoại di động gây ra sự gián đoạn lớn. Các thiết bị này làm mất tập trung và hiệu quả học tập giảm sút. Điều thực sự quan trọng là cần phải tạo ra một môi trường sư phạm mà mọi người đều tập trung vào việc giảng dạy và học tập.

Điện thoại di động và các đồng hồ kết nối khác sẽ sớm bị cấm ở các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Lan. (Ảnh: Le Parisien)

Điện thoại di động và các đồng hồ kết nối khác sẽ sớm bị cấm ở các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Lan. (Ảnh: Le Parisien)

Theo Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha (INE), gần 70% trẻ vị thành niên tại nước này sở hữu điện thoại di động thông minh, thậm chí nhóm học sinh từ 10 đến 11 tuổi tại thành phố Barcelona có sử dụng thiết bị công nghệ này chiếm tới 47,5%.

Cũng theo Viện Nghiên cứu Trẻ em và Vị thành niên Tây Ban Nha, 3/4 học sinh thừa nhận gặp nhiều khó khăn trong việc ngưng sử dụng điện thoại di động thông minh.

Đáng lưu ý, bài viết số ra ngày 26/11/2023 trên báo Libération (Pháp) chỉ ra: Theo quan sát của Hiệp hội Gia đình và Học sinh Tây Ban Nha (AFA), tại thành phố Catalan, một luật bất thành văn gần như quy định có hệ thống, thanh thiếu niên phải được cung cấp điện thoại di động thông minh khi bước vào giai đoạn học cấp hai.

Ngay từ năm học trước, Bộ Giáo dục Tây Ban Nha đã đề xuất “không sử dụng điện thoại di động thông minh trong giờ học ở các trường tiểu học và trường trung học cơ sở, trừ khi giáo viên cảm thấy việc sử dụng này là cần thiết cho hoạt động giảng dạy và học tập”.

Cạnh nước Pháp, Italia là quốc gia thực hiện nghiêm ngặt hơn các quy định cấm sử dụng điện thoại di động thông minh trong các cơ sở giáo dục từ năm 2022. Chỉ những học sinh trung học phổ thông trở lên mới được phép sử dụng ở trường.

Đặc biệt trong năm học mới này, Bộ trưởng Giáo dục Quốc gia Italia Giuseppe Valditara tuyên bố sẽ khuyến khích thói quen ghi chép nội dung giảng dạy và bài tập về nhà trên giấy.

Ông Giuseppe Valditara nhấn mạnh: Chúng ta cần phải làm cho các em học sinh làm quen trở lại với bút viết và giấy vở. Chúng ta phải ngăn chặn nguy cơ điện thoại di động trở thành công cụ gây nghiện đối với học sinh.

Ở Italia, học sinh bị cấm điện thoại di động trong trường học. (Ảnh: 20minutes)

Ở Italia, học sinh bị cấm điện thoại di động trong trường học. (Ảnh: 20minutes)

Tại Luxembourg, nhiều cơ sở giáo dục cũng đã cấm sử dụng điện thoại di động kể từ tháng 9/2023. Kết quả cho thấy hiệu quả bất ngờ: kể từ khi áp dụng biện pháp này, ngày càng có nhiều học sinh tham gia vào các hoạt động luyện tập thể chất.

Trong khi đó, tại Vương quốc Anh, thực tế cho thấy: 1/3 học sinh trung học thừa nhận sử dụng điện thoại di động trong lớp mà không được sự cho phép của thầy cô.

Bộ Giáo dục của quốc gia này đã phải có quy định cụ thể nhằm quản lý việc sử dụng thiết bị thông minh của học sinh trong phạm vi nhà trường. Nhiều gia đình ủng hộ mạnh mẽ quyết định này. Một số khác lại tỏ ra lo lắng cho sự an toàn của con em mình khi đang quen với việc theo dõi từ xa thông qua các ứng dụng di động.

Trong Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023, Tổ chức UNESCO đã kêu gọi “chỉ nên sử dụng công nghệ trong lớp khi thực sự hữu ích cho việc học tập, trong đó có việc sử dụng điện thoại di động thông minh”.

Báo cáo trích dẫn kết quả nghiên cứu liên quan đến nhóm học sinh từ độ tuổi mầm non cho đến đại học tại 14 quốc gia, việc sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh có thể làm gián đoạn việc học tập trong lớp, khiến học sinh bị phân tâm mất 20 phút trước khi tập trung trở lại vào bài giảng.

Việc sử dụng các thiết bị điện thoại có thể khiến học sinh bị phân tâm mất 20 phút trong quá trình học tập. (Ảnh chụp màn hình)

Việc sử dụng các thiết bị điện thoại có thể khiến học sinh bị phân tâm mất 20 phút trong quá trình học tập. (Ảnh chụp màn hình)

Mediametrie, một cơ quan nghiên cứu đo lường việc sử dụng các phương tiện nghe nhìn và kỹ thuật số ở Pháp, cho biết độ tuổi trung bình để sở hữu một chiếc điện thoại di động đầu tiên được ghi nhận khi học sinh mới chỉ 9 tuổi 9 tháng. Và bắt đầu từ 11 đến 14 tuổi, nhiều học sinh đã có chiếc điện thoại di động riêng của mình.

Theo Báo cáo năm 2023 của Cơ quan nghiên cứu Heaven, 71% học sinh có điện thoại di động sử dụng ít nhất một mạng xã hội, trong khi độ tuổi hợp pháp để đăng ký trên một nền tảng vẫn được ấn định là 13 tuổi.

Theo một nghiên cứu khoa học của Hiệp hội Bảo vệ Trẻ em trên Không gian mạng Pháp (e-Enfance) công bố cùng năm, 25% học sinh trung học cơ sở gặp phải các tình huống quấy rối trên không gian mạng vào năm 2023. Hiệp hội cũng cho biết, kết quả chỉ ra rằng 24% trẻ em trong nhóm từ 8 đến 18 tuổi cảm thấy không biết phải làm gì nếu không có điện thoại di động trong hơn một giờ đồng hồ.

Các con số đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các cơ quan chức năng. Nhiều biện pháp nhằm chống lại những hậu quả không đáng có của việc sử dụng các thiết bị di động ở trẻ em đã được đề xuất.

Có thể nói, với những nỗ lực như vậy, Chính phủ các quốc gia châu Âu một lần nữa muốn khẳng định: trường học phải trở thành một nơi được ưu tiên cho các hoạt động tương tác xã hội, học tập và rèn luyện, mà tại đó học sinh không bị phân tâm bởi những thông báo sáng đèn trên thiết bị công nghệ di động.

MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phap-cam-su-dung-dien-thoai-thong-minh-trong-nha-truong-ke-tu-nam-hoc-moi-post827163.html