Pháp chế ngành Tài chính: Tiếp nhận và xử lý trên 12.400 văn bản pháp luật
Năm 2023, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã tiếp nhận và hoàn thành xử lý trên 12.423 văn bản, bao gồm 392 văn bản phải trình Bộ; 63 văn bản thẩm định; 11.968 văn bản tham gia ý kiến với các đơn vị thuộc Bộ…
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 diễn ra chiều 26/12, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) bà Hồ Thị Hằng, trong năm 2023, các nhiệm vụ công tác pháp chế được triển khai toàn diện theo chương trình, kế hoạch được phê duyệt.
Theo đó, một số nhiệm vụ được xác định là trọng tâm và được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo sát sao, quyết liệt như: Công tác xây dựng và theo dõi, đôn đốc thực hiện các chương trình xây dựng văn QPPL tài chính; Công tác thẩm định văn bản; Công tác kiểm tra văn bản, kiểm tra thực hiện và theo dõi thi hành pháp luật; Công tác hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL; Công tác rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL; Công tác pháp luật tài chính quốc tế; Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
Cụ thể, năm 2023, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã tiếp nhận và hoàn thành xử lý trên 12.423 văn bản, bao gồm 392 văn bản phải trình Bộ; 63 văn bản thẩm định; 11.968 văn bản tham gia ý kiến với các đơn vị thuộc Bộ…
Theo bà Hồ Thị Hằng, để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, việc triển khai công tác pháp chế trong năm 2023 có sự đổi mới về cách thức, phương thức thực hiện nên đã bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng công việc, qua đó góp phần vào kết quả chung của Bộ như công tác lập, theo dõi, thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác thẩm định văn bản QPPL…
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Vụ Pháp chế với các đơn vị thuộc Bộ có sự chủ động hơn nên đã kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh gấp. Nhờ đó, công tác chủ trì xây dựng các văn bản QPPL và các công việc quan trọng đã được hoàn thành.
Cũng trong năm 2023, Vụ Pháp chế đã chủ trì soạn thảo, trình Bộ ban hành 3 thông tư và 16 quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các chương trình xây dựng văn bản QPPL tài chính cũng được thực hiện đạt kết quả.
Theo đó, Vụ Pháp chế đã chủ động hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ trì soạn thảo ngay từ khâu tổng kết đánh giá thi hành, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác tham gia ý kiến, thẩm định văn bản để có thêm thời gian cho lấy ý kiến các cơ quan ngoài Bộ.
Các văn bản khi gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được theo dõi, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ, nhất là việc phối hợp với các đơn vị kịp thời cung cấp thêm các thông tin soạn thảo, tình hình triển khai để làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, qua đó tạo thuận lợi cho công tác thẩm định của Bộ Tư pháp và khâu chỉnh lý hoàn thiện dự thảo.
Trong năm 2024, để hoàn thành Kế hoạch công tác năm 2024 với khối lượng công việc lớn và yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và tiến độ, Vụ Pháp chế tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: chủ trì trình Bộ, trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); phối hợp với Bộ Tư pháp để trình Chính phủ, trình Quốc hội đăng ký, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội ngay sau khi được Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng luật.
Trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; hoàn thiện để trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển thị trường các bon trong nước.
Phối hợp với Cục Tài chính DN, Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Luật Thuế TNDN (sửa đổi);
Phối hợp với Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí để xây dựng và trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Thuế GTGT (sửa đổi) tại kỳ họp tháng 5/2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024.…