Pháp công bố chiến lược cải cách châu Âu khi giữ chức Chủ tịch luân phiên EU

Theo Tổng thống Pháp, trách nhiệm đầu tiên của Pháp là 'xây dựng một châu Âu biết bảo vệ đường biên giới' để tránh tái diễn các cuộc khủng hoảng và thảm kịch về người di cư.

Chống nhập cư, tăng quyền tự chủ chiến lược, thúc đẩy phục hồi kinh tế, tăng cường quan hệ với châu Phi và giải quyết các bất đồng với nước Anh sẽ là những ưu tiên của Pháp trong 6 tháng đầu năm 2022, khi nước này sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU).

Đây là những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong cuộc họp báo ngày 9/12.

Tổng thống Pháp Macron công bố các ưu tiên của Pháp khi giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Ảnh: Le Monde

Tổng thống Pháp Macron công bố các ưu tiên của Pháp khi giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Ảnh: Le Monde

Phát biểu tại Điện Élyseés, Tổng thống Pháp ông Emmanuel Macron cho biết, trách nhiệm đầu tiên của Pháp là “xây dựng một châu Âu biết bảo vệ đường biên giới” để tránh tái diễn các cuộc khủng hoảng và thảm kịch về người di cư.

Pháp sẽ nỗ lực xây dựng một cơ chế hỗ trợ khẩn cấp cả về nhân lực và thiết bị cho “Lực lượng bảo vệ biên giới” (Frontex), đồng thời thúc đẩy cải cách “Hiệp ước Schengen” về tự do đi lại và đàm phán về “Gói di cư chung” để hài hòa các quy tắc về nhập cư và tỵ nạn giữa EU với các nước xuất phát và trung chuyển.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, lần đầu tiên châu Âu sẽ có “Sách trắng” về an ninh và quốc phòng để thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược.

“Vấn đề ưu tiên tiếp theo là chủ quyền lớn hơn của châu Âu, thúc đẩy chính sách quốc phòng chung. Châu Âu cần phải định rõ những lợi ích chung và chia sẻ chiến lược chung trong một thế giới đầy lo ngại. Do đó, Sách trắng châu Âu về an ninh và quốc phòng đầu tiên sẽ vừa nêu lên các nguy cơ hiện nay, vừa xác định các mục tiêu, định hướng và tham vọng của châu Âu”.

Người đứng đầu nước Pháp cho biết sẽ kêu gọi cải cách “Hiệp ước Maastricht” để xây dựng khuôn khổ ngân sách và tài chính tin cậy hơn, thúc đẩy “Đạo luật thị trường kỹ thuật số” (Digital Markets Act) nhằm điều chỉnh các hành vi chống cạnh tranh từ các tập đoàn công nghệ khổng lồ (GAFAM).

Một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế sẽ được tổ chức vào đầu tháng 3/2022 để bàn về chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch và định hình mô hình tăng trưởng mới cho châu Âu, cũng như bảo vệ các nguồn đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi sinh thái.

Một chủ đề quan trọng khác mà Pháp sẽ thúc đẩy là thực thi các mục tiêu khí hậu theo “Thỏa thuận Xanh châu Âu”, trong đó ưu tiên triển khai cơ chế điều chỉnh thuế cacbon trong nội khối, đàm phán về một công cụ chống nạn phá rừng với nội dung cấm nhập khẩu các sản phẩm như đậu nành, thịt bò, cà phê, ca cao hay dầu cọ… được cho là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này.

Pháp cũng sẽ nỗ lực xây dựng một mức lương tối thiểu chung trong châu Âu để bảo vệ các tầng lớp yếu thế, đưa ra quy định về tỷ lệ giới tính trong cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp trước tháng 6/2022.

Về đối ngoại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặc biệt coi trọng mối quan hệ với châu Phi, cho biết sẽ tiến hành một hội nghị thượng đỉnh Âu – Phi vào tháng 2/2022 tại Brussels, Bỉ để thúc đẩy một “thỏa thuận mới” vì an ninh và năng lượng chung. Người đứng đầu nước Pháp cũng cho biết sẽ hàn gắn quan hệ với nước Anh để giải quyết các bất đồng xung quanh vấn đề nghề cá và di cư bất hợp pháp.

Kể từ ngày 1/1/2022, Pháp cũng sẽ đưa vào lưu hành đồng tiền xu 2 Euro mới để đánh dấu 20 năm ra đời của đồng tiền chung Euro./.

Mạnh Hà/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phap-cong-bo-chien-luoc-cai-cach-chau-au-khi-giu-chuc-chu-tich-luan-phien-eu-910630.vov