Pháp đã nhận bản cập nhật phần mềm cho iPhone 12 từ Apple để khắc phục vấn đề bức xạ
Một nguồn tin tại Bộ Kỹ thuật số Pháp nói với Reuters hôm 26.9 rằng chính quyền nước này đã nhận được bản cập nhật phần mềm từ Apple cho iPhone 12 và đang xem xét nó.
Hãng công nghệ Mỹ đã cam kết cập nhật phần mềm cho iPhone 12 ở Pháp để giải quyết tranh chấp về mức độ phóng xạ.
Trước đó, Pháp đe dọa thu hồi mẫu iPhone 12 do lo ngại mức độ bức xạ vượt quá ngưỡng của Liên minh châu Âu (EU) và Apple đã chỉ thị cho nhân viên kiểm soát việc thông điệp về vấn đề này.
Ngày 13.9, Cơ quan Điều tiết tần số vô tuyến của Pháp (ANFR) đã yêu cầu Apple tạm dừng bán iPhone 12 tại Pháp sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy SAR (tỷ lệ hấp thụ năng lượng điện từ ở cơ thể) người dùng iPhone 12 cao hơn mức cho phép.
ANFR cho biết đã cử đại diện đến các cửa hàng Apple và các nhà phân phối khác để kiểm tra iPhone 12 còn được bán nữa hay không và nếu Apple không tuân thủ sẽ dẫn đến việc thu hồi những chiếc iPhone 12 đã bán cho người tiêu dùng.
Đáp lại, Apple cho biết iPhone 12 (ra mắt vào năm 2020) đã được nhiều cơ quan quốc tế chứng nhận là tuân thủ các tiêu chuẩn bức xạ toàn cầu. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã cung cấp một số kết quả phòng thí nghiệm của mình và bên thứ ba để chứng minh sự tuân thủ của iPhone 12 với ANFR.
Apple phản bác những phát hiện của ANFR nhưng hôm 15.9 cho biết sẽ phát hành bản cập nhật phần mềm để giải quyết những lo ngại của cơ quan quản lý.
Theo hãng tin Bloomberg, Apple đã chỉ đạo nhân viên hỗ trợ kỹ thuật tuân thủ theo một kịch bản và không tự ý cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hỏi về vấn đề này.
Nếu khách hàng hỏi về tuyên bố của chính phủ Pháp hoặc khả năng thu hồi iPhone 12, nhân viên sẽ phải trả lời rằng không có thông tin gì để chia sẻ. Nếu bị ép trả lời, nhân viên có thể thông báo rằng các sản phẩm của Apple phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về độ an toàn.
Những khách hàng muốn trả lại iPhone 12 thì chỉ có thể được đáp ứng nếu sản phẩm đã được mua trong khoảng thời gian trả hàng tiêu chuẩn hai tuần.
Các công ty đối diện với các thách thức pháp lý, như Apple tại Pháp, thường cung cấp cho nhân viên hướng dẫn nghiêm ngặt về cách thảo luận về vấn đề này. Phương pháp này đảm bảo rằng thông điệp được kiểm soát và nhân viên không chia sẻ thông tin có thể phải sửa đổi chính thức sau đó.
Người dùng không thể mua iPhone 12 trực tiếp từ Apple. Tuy nhiên, mẫu iPhone này vẫn còn tại các bên thứ ba có hàng tồn kho.
ANFR cho biết các phòng thí nghiệm đã phát hiện thấy cơ thể hấp thụ năng lượng điện từ ở mức 5,74 watt/kg trong các thử nghiệm mô phỏng khi iPhone 12 được cầm trên tay hoặc để trong túi quần. Theo tiêu chuẩn châu Âu, tỷ lệ hấp thụ năng lượng điện từ là 4,0 watt/kg.
ANFR bổ sung các thử nghiệm cho thấy iPhone đáp ứng tiêu chuẩn SAR khi nó ở trong túi áo khoác hoặc túi xách. iPhone 12 cũng vượt qua các bài kiểm tra của Pháp khi được giữ trực tiếp vào đầu như thể đang gọi điện thoại.
Jean-Noel Barrot, Thứ trưởng Pháp về kinh tế kỹ thuật số, cho biết một bản cập nhật phần mềm sẽ đủ để khắc phục các vấn đề về bức xạ. “Quy tắc này áp dụng giống nhau với tất cả mọi người, kể cả những gã khổng lồ kỹ thuật số”, ông nói với nhật báo Le Parisien.
ANFR hiện sẽ chuyển những phát hiện của mình cho các cơ quan quản lý ở các quốc gia thành viên khác thuộc EU. Jean-Noel Barrot cho biết: “Về mặt thực tế, quyết định này có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa”.
Điều đáng nói là iPhone 12 đã vượt qua bài kiểm tra bức xạ do cơ quan Pháp tiến hành vào năm 2021.
Các chuyên gia đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu trong hai thập kỷ qua để đánh giá rủi ro sức khỏe vì điện thoại di động. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe được xác định là do điện thoại di động gây ra. Tuy nhiên cảnh báo về bức xạ ở Pháp, dựa trên kết quả thử nghiệm không giống các quốc gia khác, đã gây lo ngại trên khắp châu Âu.
Tin xấu liên tục ập đến với Apple ở Pháp khi nhân viên cửa hàng Apple đình công đúng ngày bán ra dòng iPhone 15.
Ngày 22.9, nhân viên tại các cửa hàng của Apple ở Pháp đình công trên toàn quốc đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
"Với quyết định của ban lãnh đạo từ chối đáp ứng các yêu cầu và quan ngại của chúng tôi dù chúng hoàn toàn hợp lý, 4 công đoàn tại Apple Retail Pháp đã kêu gọi đình công vào ngày 22 và 23.9. Chúng tôi sẽ nhắc nhở ban lãnh đạo rằng không phải là những cuộc biểu tình này gây hại cho công ty, mà chính là do họ từ chối trước sự bất tiện của nhân viên”, các công đoàn tuyên bố chung trên mạng xã hội X (trước đây được gọi là Twitter).
Theo tổ chức công đoàn CGT, hàng trăm người trong số khoảng 2.300 nhân viên cửa hàng của Apple ở Pháp đã tham gia cuộc đình công.
Tất cả cửa hàng của Apple ở Pháp vẫn mở cửa trong ngày 22.9, nhưng với số lượng nhân viên ít hơn thường lệ.
Các tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động làm việc tại Apple, trong đó có CGT, Unsa, CFDT và Cidre-CFTC, đã yêu cầu hãng công nghệ Mỹ tăng 7% lương để phù hợp với chi phí sinh hoạt leo thang do lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, Apple chỉ đồng ý mức tăng lương dưới 4,5%.
Các tổ chức công đoàn nói trên tiếp tục tổ chức đình công trong ngày 23.9.
Tại Tây Ban Nha, các nhân viên tại một cửa hàng của Apple ở thành phố Barcelona cũng có kế hoạch tiến hành đình công đòi cải thiện điều kiện làm việc.
Apple đã trình làng dòng iPhone 15 tại sự kiện Wonderlust (Sự kỳ diệu) rạng sáng hôm 13.9 với một số tính năng mới, gồm cả nút Action có thể tùy chỉnh, camera tốt hơn, A17 Pro (chip 3 nanomet đầu tiên) và khung máy bằng titan trên dòng Pro cao cấp.
Một số người hâm mộ Apple không mấy ấn tượng với các mẫu máy mới, khi dòng iPhone 15 bị một số người trên mạng xã hội cho là "nhàm chán" và "kém ấn tượng". Dù vậy, iPhone 15 Pro và Pro Max đã "cháy hàng" ở nhiều nơi, gồm cả Trung Quốc, đẩy thời gian giao máy sang tháng 10, thậm chí tháng 11, khi đặt trước online.
Dòng iPhone 15 đã được đón nhận nồng nhiệt ở Trung Quốc khi người tiêu dùng đổ xô mua phiên bản mới nhất chiếc smartphone mang tính biểu tượng của Apple thông qua nhiều kênh bán hàng. Điều này làm dịu đi những dự đoán rằng Apple có thể gặp khó khăn trước sự cạnh tranh từ Huawei và lệnh cấm iPhone trong cơ quan chính phủ Trung Quốc.