Pháp đã thoát bế tắc chính trị sau khi bổ nhiệm thủ tướng mới?

Ngày 5/9 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính trị Pháp khi Tổng thống Emmanuel Macron chính thức bổ nhiệm Michel Barnier, cựu nhà đàm phán Brexit, làm thủ tướng mới của nước này.

Michel Barnier, cựu nhà đàm phán Brexit của EU, được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp vào ngày 5/9/2024. Ảnh: AFP

Michel Barnier, cựu nhà đàm phán Brexit của EU, được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp vào ngày 5/9/2024. Ảnh: AFP

Quyết định này đã được dự báo từ lâu và được đưa ra sau gần 2 tháng bế tắc chính trị kể từ cuộc bầu cử lập pháp bất thường, khi không có đảng nào giành được đa số phiếu tuyệt đối.

Michel Barnier, 73 tuổi, là một tên tuổi nổi bật trong chính trị Pháp. Ông từng giữ chức Ủy viên châu Âu và Bộ trưởng ngoại giao của đảng trung hữu Les Républicains trước khi trở thành người đứng đầu các cuộc đàm phán về Brexit. Với kinh nghiệm dày dạn trong các vấn đề quốc tế và quan hệ ngoại giao, ông Barnier được kỳ vọng sẽ mang đến ổn định cho chính phủ Pháp trong thời điểm nhạy cảm này.

Quyết định bổ nhiệm ông Barnier diễn ra gần ba tháng sau cuộc bầu cử lập pháp, một sự kiện đã khiến nước Pháp rơi vào tình trạng bế tắc chính trị. Trong cuộc bầu cử này, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới bất ngờ giành được nhiều ghế nhất, trong khi liên minh đảng Phục hưng cầm quyền của Tổng thống Macron đứng thứ hai trước đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia. Sự phân chia này đã tạo ra một tình huống mà không đảng nào có thể chiếm ưu thế rõ rệt, dẫn đến bế tắc trong xác định người đứng đầu chính phủ.

Việc bổ nhiệm ông Barnier đã ngay lập tức gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nhóm chính trị khác nhau. Các chính trị gia cánh tả, đặc biệt là Jean-Luc Mélenchon từ đảng Nước Pháp bất khuất (LFI), đã chỉ trích quyết định này, cho rằng việc chọn một chính trị gia cánh hữu làm thủ tướng là phản ánh không đúng với kết quả của cuộc bầu cử. Ông Mélenchon và các đồng minh đã kêu gọi biểu tình vào ngày 7/9, cho rằng cuộc bầu cử đã bị "đánh cắp".

Tương tự, Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia (RN), cho biết RN sẽ chờ xem chương trình nghị sự của ông Barnier trước khi quyết định có ủng hộ ông hay không. Sự ủng hộ của phe cực hữu đối với ông Barnier phụ thuộc vào các chính sách và chương trình hành động mà ông đề xuất trong thời gian tới.

Mặc dù Michel Barnier được đánh giá cao về kinh nghiệm và khả năng lãnh đạo, ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong vai trò mới của mình. Một trong những thách thức quan trọng nhất là việc xử lý ngân sách năm 2025 của Pháp. Chính phủ do ông Barnier lãnh đạo sẽ cần phải đưa ra một kế hoạch ngân sách phù hợp và có thể thuyết phục Quốc hội Pháp, vốn đang chia rẽ sâu sắc, để tránh nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Theo một cố vấn của Tổng thống Macron, ông Barnier được xem là "tương thích với Tổng thống Macron" và có khả năng sẽ không bị quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm ngay lập tức. Ông Barnier được cho là có thể thu hút ủng hộ từ các thành viên cánh hữu của quốc hội mà không gây khó chịu cho phe cánh tả, điều này có thể giúp ông duy trì ổn định chính trị trong thời gian đầu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo AFP/Euronews.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phap-da-thoat-be-tac-chinh-tri-sau-khi-bo-nhiem-thu-tuong-moi-20240905202619369.htm