Pháp đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên EU: Nhiệm kỳ bộn bề khó khăn và thách thức

Từ ngày 1/1/2022, Pháp sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng. Giữ vai trò dẫn dắt EU trong 6 tháng đầu năm 2022, Paris sẽ có một nhiệm kỳ bộn bề khó khăn với nhiều thách thức và mục tiêu.

Pháp sẽ có một nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU bộn bề khó khăn với nhiều thách thức và mục tiêu. (Nguồn: EPE-EPA)

Pháp sẽ có một nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU bộn bề khó khăn với nhiều thách thức và mục tiêu. (Nguồn: EPE-EPA)

Đối phó với biến chủng Omicron

Pháp nhậm chức Chủ tịch Hội đồng EU vào thời điểm châu Âu phải "chạy nước rút" ngăn biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19.

Đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của biến thể này, hầu hết các quốc gia ở châu Âu đang phản ứng và phòng vệ bằng cách thực hiện những biện pháp ngày càng triệt để như: Tập trung nguồn lực vào việc tiêm chủng, gia tăng các biện pháp hạn chế, từ lệnh giới nghiêm đến đóng cửa các địa điểm công cộng.

Đây sẽ là thách thức không hề đơn giản với Chủ tịch mới của EU.

Phục hồi kinh tế sau đại dịch

Nền kinh tế Khu vực đồng Euro đang dần phục hồi trước tác động của đại dịch Covid-19, song, với sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cùng sự gia tăng các biện pháp hạn chế tại một loạt quốc gia, EU dự báo sẽ làm chậm lại đà phục hồi.

Trong bài phát biểu vào giữa tháng 12 này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, EU nên xem xét lại các quy định nghiêm ngặt về thâm hụt ngân sách, trong bối cảnh chính phủ các quốc gia thành viên đẩy mạnh chi tiêu để cứu nền kinh tế khỏi tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Tổng thống Macron cũng tuyên bố Pháp sẽ đề xuất một cơ chế mới của EU nhằm ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ những khu vực xảy ra nạn phá rừng, bao gồm các sản phẩm như đậu tương, thịt bò, dầu cọ, ca cao và cà phê.

Do vậy, trong 6 tháng ngắn ngủi, Pháp phải khẳng định nhiệm vụ tối quan trọng này nhằm tăng cường khả năng phục hồi của châu Âu và niềm tin của người dân vào mô hình xã hội châu lục này, thúc đẩy một liên minh dựa trên các giá trị chung về đoàn kết, hội tụ và gắn kết.

Bất đồng về chính sách năng lượng

Ngày 17/12, đàm phán giữa các nhà lãnh đạo của EU về chính sách năng lượng đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào.

Tình trạng trên diễn ra khi một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Ba Lan, thúc đẩy EU kiềm chế biến động giá trên thị trường bằng cách hạn chế hoạt động đầu cơ.

Đây được coi là một lập trường trái ngược với các quốc gia khác, bao gồm cả Đức, giữa bối cảnh các quốc gia tranh luận về cách thức ứng phó với giá carbon cao kỷ lục và các quy định đầu tư xanh sắp tới.

Một tranh cãi khác nổi lên tại cuộc họp là việc EU có nên đưa khí đốt và năng lượng hạt nhân vào danh mục đầu tư thân thiện với khí hậu hay không, bởi một số quốc gia đang thúc đẩy Ủy ban châu Âu đề xuất các quy định về "phân loại tài chính bền vững".

Vấn đề này sẽ là thử thách với Pháp trong vai trò Chủ tịch EU.

Đưa châu Âu trở thành “thế lực kỹ thuật số”

Tổng thống Pháp khẳng định, ông muốn “Âu hóa” chiến lược quốc gia về hỗ trợ “đổi mới và tăng trưởng” của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đưa châu Âu trở thành một “thế lực kỹ thuật số”.

Theo tầm nhìn này, Pháp sẽ thúc đẩy việc thành lập các quỹ châu Âu để tài trợ cho các công ty khởi nghiệp và các “công ty kỹ thuật số” khác bằng cách huy động “các nhà đầu tư về thể chế”.

Ông lưu ý, trong số 10 công ty tư bản hàng đầu thế giới hiện nay, có tới 8 đơn vị thuộc lĩnh vực công nghệ và đặc biệt là không có doanh nghiệp nào của châu Âu.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải xây dựng “một thị trường kỹ thuật số chung thực sự” của châu Âu với các quy định đơn giản hóa thông qua việc bãi bỏ các rào cản giữa các nước thành viên. Để hỗ trợ “các quán quân châu Âu” phát triển trong lĩnh vực này, EU phải đào sâu “nghị sự thu hút nhân tài” và thu hút tài trợ.

Chương trình phòng thủ chung

Trong bài phát biểu về những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU, Tổng thống Macron cho rằng, EU cần phải định nghĩa lại chiến lược phòng thủ mới nhằm củng cố năng lực tự vệ của khối, ngay cả khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn còn hữu dụng và hiệu quả.

Nhà lãnh đạo Pháp còn kêu gọi Liên minh đóng vai trò lớn hơn đối với an ninh tại khu vực Sahel ở Tây Phi.

Do vậy, để đạt được tiến bộ cụ thể về một chính sách phòng thủ chung, xét trên cả phương diện hành động lẫn hoạch định chiến lược, đòi hỏi sự nỗ lực của Pháp.

Cải cách Schengen

Một ưu tiên chính của Paris khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch của khối từ ngày 1/1/2022 là hướng tới một châu Âu “biết cách bảo vệ biên giới của mình” khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng di cư.

Đề cập tình hình biên giới Ba Lan-Belarus và vụ đắm tàu ở eo biển Manche khiến 27 người di cư thiệt mạng, Tổng thống Pháp Macron nhận định, đó là điều kiện thiết yếu để đảm bảo an ninh cho các nước châu Âu và giải quyết thách thách thức di cư.

Bởi vậy, xây dựng một “định hướng chính trị cho Schengen” thông qua cơ chế họp thường kỳ của các bộ trưởng phụ trách vấn đề di cư của châu Âu, cũng như các cơ chế hỗ trợ đoàn kết trong trường hợp khủng hoảng ở biên giới một quốc gia thành viên, thiết lập một tổ chức tốt hơn về quản lý người di cư, hài hòa các quy tắc, đặc biệt trong vấn đề tị nạn, hỗ trợ người tị nạn hoặc người di cư đang ở trên đất châu Âu sẽ là những điều căn bản cần thiết để khẳng định nỗ lực củng cố chủ quyền của EU, đặc biệt là tại các khu vực biên giới.

Một ưu tiên chính của Pháp khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch EU là hướng tới một châu Âu “biết cách bảo vệ biên giới của mình” khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng di cư. (Nguồn: Flickr)

Một ưu tiên chính của Pháp khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch EU là hướng tới một châu Âu “biết cách bảo vệ biên giới của mình” khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng di cư. (Nguồn: Flickr)

Thúc đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Trung Quốc và Brexit

Trong vấn đề đối ngoại, việc hiện thực hóa thỏa thuận về thời kỳ hậu Brexit giữa EU và Anh, thúc đẩy chính sách trong quan hệ giữa EU với Mỹ, Trung Quốc sẽ là những thách thức với khối này.

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Washington đã được cải thiện và thúc đẩy dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai bên thiết lập một chương trình nghị sự chung vì sự hợp tác giữa EU và Mỹ trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 sẽ là ưu tiên cốt lõi với Liên minh trong thời gian tới.

Về vấn đề Brexit, dù Anh và EU đã đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, song vấn đề liên quan đến vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn gây bất đồng giữa hai bên.

Giảm căng thẳng với Nga và Belarus

Trong bối cảnh quan hệ EU và Nga vẫn đang ở mức rất thấp, việc làm mới quan hệ đối tác dường như là một triển vọng xa vời.

Theo giới phân tích, cách tiếp cận mà Brussels phải thực hiện lúc này là "đẩy lùi, kiềm chế và can dự" với Moscow.

Trong khi đó, việc Belarus tạm ngừng tham gia chương trình “Đối tác phương Đông”, một sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác giữa EU và các nước Đông Âu, sau khi Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt có phạm vi rộng nhất liên quan đến vụ Minsk yêu cầu một máy bay thương mại của hãng hàng không Ryanair (Ireland) chuyển hướng bay cũng là trở ngại ngoại giao với EU trong thời gian tới.

Kết nạp các nước Balkan

Thống nhất về thời hạn kết nạp các nước và vùng lãnh thổ vùng Balkan là nhiệm vụ với Chủ tịch mới của EU.

Trong Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Slovenia ngày 6/10, EU đã nhắc lại cam kết về việc kết nạp 6 nước và vùng lãnh thổ ở Balkan gồm Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, vùng lãnh thổ Kosovo và Albania, điều đã được đưa ra từ 18 năm trước.

Tuy nhiên, EU chưa thể nhất trí với mục tiêu hoàn tất việc kết nạp vào năm 2030.

Đến nay, liên minh kinh tế-chính trị này là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của 6 nước và vùng lãnh thổ Balkan nói trên.

Việc mở rộng quy mô khối lên 33 thành viên được cho là sẽ buộc EU phải thay đổi quy trình ra quyết định vốn đang gây căng thẳng và tiến hành cải cách nội khối mà không phải thành viên nào cũng sẵn sàng tham gia.

Thúc đẩy hợp tác với AU

Thúc đẩy hợp tác với Liên minh châu Phi (AU) cũng là một chiến lược với nước Chủ tịch luân phiên EU.

Tổng thống Macron đã thông báo Hội nghị thượng đỉnh giữa AU và EU sẽ được tổ chức vào ngày 17-18/2/2022 tại Brussels, đồng thời cho biết sẽ đề xuất thỏa thuận mới về kinh tế và tài chính nhằm cải cách cơ bản mối quan hệ giữa hai châu lục.

Nhà lãnh đạo Pháp nhắc lại, trong giai đoạn 2020-2025, các nền kinh tế châu Phi có nhu cầu tài chính khoảng 300 tỷ Euro.

Vì vậy, để thúc đẩy tình đoàn kết, EU “cần thể hiện một chiến lược chung với châu Phi tại các diễn đàn quốc tế” và đổi mới “cơ chế đầu tư đoàn kết” đối với châu lục này.

EU cũng cần triển khai một chương trình nghị sự về giáo dục, y tế và khí hậu nhằm ứng phó với các thách thức mà châu Phi đang phải đối mặt.

Nhiều nhiệm vụ nặng nề đang chờ đón, song, đây cũng là mục tiêu Pháp đặt ra trên cương vị Chủ tịch EU, nhằm thực hiện "sứ mệnh" khôi phục niềm tin của người dân vào mô hình gắn kết cũng như nâng cao hơn nữa vai trò của Liên minh này trên thế giới.

(tổng hợp)

Thanh Lâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-dam-nhan-cuong-vi-chu-tich-luan-phien-eu-nhiem-ky-bon-be-kho-khan-va-thach-thuc-169294.html