Pháp đối mặt dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay

Kể từ cuối tháng 11/2021 đến nay, Pháp đã buộc phải tiêu hủy hơn 13 triệu con gia cầm nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, vốn được cho là do các loài chim hoang dã di cư mang tới.

Hàng triệu gia cầm bị tiêu hủy tại Pháp để ngăn dịch cúm gia cầm. (Nguồn: AFP)

Hàng triệu gia cầm bị tiêu hủy tại Pháp để ngăn dịch cúm gia cầm. (Nguồn: AFP)

Bộ Nông nghiệp Pháp thừa nhận nước này đang phải đối mặt dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay và tình hình này đến nay vẫn chưa thể kiểm soát.

Theo bộ trên, kể từ cuối tháng 11/2021 đến nay, Pháp đã buộc phải tiêu hủy hơn 13 triệu con gia cầm nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, vốn được cho là do các loài chim hoang dã di cư mang tới.

Số gia cầm bị tiêu hủy tăng đột biến sau khi virus gây dịch cúm xuất hiện tại các khu vực chăn nuôi gia cầm lớn nhất của nước Pháp.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Pháp cho thấy, tính đến ngày 8/4, nước này đã ghi nhận 1.230 đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tại các trang trại chăn nuôi kể từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào ngày 26/11/2021. Tốc độ lây nhiễm dịch bệnh trong gia cầm đã tăng hơn 10% chỉ trong vòng 8 ngày.

Sự lây lan của dịch cúm gia cầm khiến chính phủ của nhiều quốc gia lo ngại, không chỉ vì những tác động tới ngành chăn nuôi gia cầm, mà còn cả khả năng hạn chế lưu thông thương mại cũng như những rủi ro rằng căn bệnh này có thể lây truyền cho con người.

Chủng virus cúm gia cầm H5N1 đã nhanh chóng lan rộng ở châu Âu trong những tháng gần đây. Không chỉ có nước Pháp, nhiều quốc gia khác ở châu lục này (trong đó điển hình là Italy) cũng đã phải tiêu hủy một lượng lớn gia cầm.

Cúm gia cầm lây lan chủ yếu qua phân của các loài chim hoang dã bị nhiễm bệnh. Virus H5N1 có độc lực cao, có thể khiến gia cầm mắc bệnh và chết, đồng thời có thể lây nhiễm sang các động vật khác như mèo, lợn và hổ.

Tuy phần lớn trường hợp con người không bị mắc bệnh này nếu ăn phải thịt của gia cầm nhiễm virus, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, cúm gia cầm vẫn có thể lây nhiễm sang người có tiếp xúc gần với những con gia cầm bị bệnh./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phap-doi-mat-dich-cum-gia-cam-toi-te-nhat-tu-truoc-den-nay/783114.vnp