Pháp duy trì giai đoạn 2 của bệnh dịch Covid-19 và thời gian bầu cử địa phương
Tối ngày 9-3, Bộ Y tế Pháp cho biết tổng số người nhiễm virus corona ở nước này là 1.412, gồm 286 ca nhiễm mới trong đó có Bộ trưởng Văn hóa. Số người tử vong tăng từ 19 lên 30. Chính phủ Pháp vẫn quyết định duy trì giai đoạn 2/3 của bệnh dịch Covid-19 với mục tiêu theo dõi, xác định các chuỗi lây nhiễm nhằm ngăn chặn đà lây lan.
Hiện đã có năm nghị sĩ của Quốc hội Pháp được xác nhận dương tính với virus corona. Văn phòng của Bộ Văn hóa Pháp cũng cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy Bộ trưởng Franck Riester đã nhiễm dịch sau thời gian làm việc ở Quốc hội tuần trước và hiện đang được cách ly ở nhà trong tình trạng sức khỏe bình thường.
Số ca nhiễm mới được xác nhận ở vùng thủ đô Ile-de-France cũng tăng nhanh từ 243 lên 300 ca sau 24 giờ qua. Lớp học đầu tiên ở Paris đã bị đóng cửa ngày 9-3 sau khi một học sinh lớp 3 được phát hiện nhiễm bệnh. Hiện có bảy ổ dịch ở Pháp và 66 người nhiễm đang trong tình trạng nguy hiểm. Các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp vẫn ở trong giai đoạn 1 của bệnh dịch vì mới phát hiện 10 trường hợp nhiễm.
Ngày 8-3, Chính phủ Pháp đã ban hành lệnh cấm các cuộc tụ tập quá một nghìn người, trừ những hoạt động được coi là cần thiết cho đất nước. Biểu tình, thi tuyển và giao thông công cộng không nằm trong phạm vi của lệnh cấm này.
Chính quyền các cấp và hệ thống y tế tích cực chuẩn bị để chuyển sang giai đoạn 3 do xu hướng lây lan không có chiều hướng giảm. Phát biểu trên kênh truyền hình BFMTV tối 9-3, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết việc đóng cửa trường học sẽ được quyết định "bất cứ khi nào cần thiết”. Dù kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ bị nhiễm thấp, trẻ em có thể bị lây nhiễm trong thời gian ở trường vì không đeo khẩu trang, sau đó có thể lây sang những người trong gia đình. Chính vì vậy, Bộ trưởng Olivier Véran cho rằng biện pháp phù hợp sẽ được áp dụng ngay tùy theo hình hình cụ thể.
Số người nhiễm ở châu Âu hiện đã vượt quá 15 nghìn, trong đó có 535 người tử vong. Italy là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ bệnh dịch Covid-19 với 9.172 người nhiễm, tăng 1.797 ca trong 24 giờ qua. Tối 9-3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte yêu cầu người dân không di chuyển sang các khu vực khác nhau, đồng thời cấm tụ tập cùng với việc mở rộng lệnh hạn chế giao thông và các hoạt động đông người trên toàn quốc. Tiếp đó là Pháp, Đức (1.191 ca nhiễm và hai người đầu tiên tử vong) và Tây Ban Nha (1.102 người nhiễm, tăng tới 428 trường hợp sau một ngày và có 29 người tử vong).
Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng ở khu vực, ngày 9-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị các nước EU phối hợp khẩn cấp nhằm chặn đà lây lan, hạn chế hậu quả do bệnh dịch. Dự kiến lãnh đạo EU sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến trong ngày hôm nay để thảo luận các biện pháp ứng phó dịch bệnh.
Chỉ còn bốn ngày nữa tới vòng 1 cuộc bầu cử địa phương ở Pháp. Do có các biện pháp hạn chế tụ tập đông người trong thời gian dịch bệnh lan rộng, các ứng cử viên buộc phải hủy hàng loạt cuộc họp vận động tranh cử. Ngày 9-3, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe khẳng định không thay đổi thời gian tổ chức hai vòng bầu cử vào ngày 15 và 22-3. Bộ trưởng Nội vụ Barshe Castaner cũng cho biết các biện pháp phòng nguy cơ lây nhiễm cần thiết sẽ được triển khai để cử tri yên tâm đi bỏ phiếu.
Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới các lĩnh vực kinh tế ở Pháp và các nước châu Âu, trong đó có ngành hàng không. Hiệp hội điều phối sân bay châu Âu và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đã đề nghị Ủy ban châu Âu tạm thời dỡ bỏ quy định "các hãng hàng không phải sử dụng ít nhất 80% công suất ở các sân bay đã đăng ký" trong vài tháng tới nếu bệnh dịch vẫn tiếp tục lây lan. Hiện nay nhiều hãng hàng không buộc phải duy trì các chuyến bay rất vắng hành khách để giữ chỗ đã được phân bổ vì lo ngại có thể bị mất quyền khai thác tại các sân bay ở châu Âu vào năm sau.
KHẢI HOÀN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp