Pháp: EU không muốn leo thang căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Pháp tuyên bố các nước EU cần có lập trường thống nhất hơn liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên ông cũng khẳng định EU muốn tránh bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào với Ankara.
Ngày 10/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần có lập trường thống nhất hơn liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên ông cũng khẳng định EU muốn tránh bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào với Ankara.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại đảo Corsica thuộc Pháp, nơi ông sẽ triệu tập cuộc họp của các nước thành viên EU nằm ven Địa Trung Hải để thảo luận về mối quan hệ căng thẳng của khối này với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Macron nhấn mạnh: "Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm làm rõ mục đích của mình."
Mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng liên quan một số vấn đề, trong đó bao gồm cả việc Ankara triển khai công tác thăm dò dầu khí ở Đông Địa Trung Hải, nơi Ankara đang tranh chấp chủ quyền cùng hai quốc gia thành viên của EU là Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp.
Trong phát biểu ngày 10/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Miltiadis Varvitsiotis cho rằng các nhà lãnh đạo EU nên áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế "nghiêm khắc" đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian nhất định nếu Ankara không rút các tàu quân sự và tàu thăm dò khí đốt của nước này khỏi vùng biển ngoài khơi Cộng hòa Cyprus.
Phát biểu trước Ủy ban đối ngoại của Nghị viện châu Âu (EP), ông Varvitsiotis nêu rõ: “Các biện pháp trừng phạt cần thật nghiêm khắc để có thể gây được áp lực dù là trong một thời gian nhất định, đồng thời phát đi thông điệp rằng châu Âu ở đây để đàm phán và cũng ở đây để bảo vệ các giá trị của mình."
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 24-25/9 để thảo luận các biện pháp tháo gỡ cuộc cuộc khủng hoảng giữa Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải.
Trong một diễn biến liên quan, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara đang thảo luận về các dự án thăm dò dầu khí với chính phủ được Liên hợp quốc công nhận ở Libya.
Phát biểu với báo giới, quan chức giấu tên trên cho biết: "Chúng tôi đang thảo luận với Chính phủ Libya cùng các cơ quan hữu quan và công ty Dầu khí quốc gia về các mỏ dầu và khí đốt trên đất liền và ngoài khơi."
Theo quan chức trên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xem xét các dự án cung cấp điện "và về cả phát triển mạng lưới, phát triển và vận hành đường ống dẫn dầu tiềm năng."
Libya là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi, đồng thời cũng là nước có mối quan hệ lâu đời với Thổ Nhĩ Kỳ từ thời Đế chế Ottoman. Tháng 11/2019, hai nước đã đạt được thỏa thuận, trong đó mở rộng chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ đối với vùng biển chồng lấn với dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên nối các mỏ phía Đông Địa Trung Hải với Hy Lạp.
Trong khi đó, Hy Lạp hồi tháng Tám vừa qua cũng đã ký một thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế với Ai Cập, trong đó đưa ra tuyên bố chủ quyền của mình đối với một số khu vực thuộc vùng biển nêu trên.
Căng thẳng được đẩy lên cao trào khi cả hai bên đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở phía Đông Địa Trung Hải - Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, Italy và Cộng hòa Cyprus, khiến những tranh chấp giữa đôi bên có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sư./.