Pháp: Giảm thời gian chiếu sáng tháp Eiffel để tiết kiệm năng lượng

Tháp Eiffel chìm trong bóng tối là một phần trong kế hoạch tiết kiệm năng lượng của châu Âu nhằm chống lại chi phí năng lượng tăng cao. Nguồn: Getty

* Dự báo châu Âu sẽ cạn kiệt khí đốt vào tháng 2 năm 2023

Ngày 13/9, Thị trưởng TP Paris (Pháp) Anne Hidalgo đã công bố một loạt các biện pháp tiết kiệm năng lượng để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, trong đó có tắt đèn tháp Eiffel.

Cụ thể, từ ngày 23/9, TP Paris sẽ tắt đèn tháp Eiffel sớm hơn 1 giờ so với bình thường; tắt đèn tại các tòa nhà công cộng vào lúc 22h, hạ nhiệt độ nước trong các bể bơi thành phố xuống 25 độ C so với 26 độ C hiện nay, giảm hệ thống sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng xuống còn 18 độ C.

Hiện nay, tòa tháp biểu tượng của Paris được thắp sáng đến 1 giờ 00 nhờ 1 hệ thống đèn chiếu sáng. Kế hoạch tắt đèn tháp Eiffel từ 23h45 sẽ giúp giảm 4% lượng điện năng tiêu thụ.

Hóa đơn tiền điện của thành phố ước tính sẽ lên tới 90 triệu euro (89,9 triệu USD) trong năm nay, tăng 35 triệu euro so với thông thường.

Các biện pháp trên nhằm đáp ứng mục tiêu mà Tổng thống Emmanuel Macron đề ra cho ngành công nghiệp, hộ gia đình và chính quyền các thành phố, theo đó nước này sẽ cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng để đối phó với việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt và giá năng lượng leo thang.

Trên khắp châu Âu, các quốc gia khác cũng đang tìm cách cắt giảm tiêu thụ năng lượng và lấp đầy các kho dự trữ khí đốt để chuẩn bị cho khả năng Nga cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Pháp không phụ thuộc vào nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga như các nước láng giềng. Tuy nhiên, Pháp buộc phải nhập khẩu điện do số lượng kỷ lục các lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động ở nước này, làm tăng áp lực lên ngành điện. Thông thường, Pháp là nước xuất khẩu điện ở châu Âu.

* Tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha nhận định các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn kiệt vào đầu tháng 2/2023.

Theo báo trên, 160 cơ sở dự trữ khí đốt ở 18 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) với tỉ lệ bơm đầy gần 83% chỉ đủ để cung cấp 21% lượng tiêu thụ hàng năm ở các nước thành viên khối này.

Hiện, giới chức châu Âu đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo lượng khí đốt dự trữ hiện tại đủ dùng cho cả mùa đông. Do vậy, các nước này sẽ buộc phải giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và phân phối lại lượng dự trữ trong kho.

Báo La Vanguardia nhận định: "Có thể kéo dài đến tháng 3 năm sau, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn kiệt, nhưng với điều kiện là Nga nối lại nguồn cung khí đốt, dù chỉ với khối lượng nhỏ".

Trước đó, Quốc vụ khanh phụ trách quan hệ song phương của Bộ Ngoại giao Hungary, ông Tamas Menczer, nói rằng vào mùa thu này EU có thể phải xem xét lại chính sách trừng phạt đối với Nga, bởi vì khi trời bắt đầu lạnh giá thì "thực tế sẽ gõ cửa từng căn nhà" ở Tây Âu.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/285946/phap--giam-thoi-gian-chieu-sang-thap-eiffel-de-tiet-kiem-nang-luong.html