Pháp: Hơn 100 nghìn người biểu tình chống dự luật an ninh giữa lúc phong tỏa chống đại dịch Covid-19
Tối 28-11, Bộ Nội vụ Pháp cho biết, khoảng 133 nghìn người trên khắp nước Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật 'An ninh toàn diện' mới gây tranh cãi, trong đó sẽ hình sự hóa việc chia sẻ hình ảnh của các nhân viên an ninh nếu được thực hiện vì 'mục đích xấu' và chống bạo lực của cảnh sát.
Tối 28-11, Bộ Nội vụ Pháp cho biết, khoảng 133 nghìn người trên khắp nước Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật “An ninh toàn diện” mới gây tranh cãi, trong đó sẽ hình sự hóa việc chia sẻ hình ảnh của các nhân viên an ninh nếu được thực hiện vì "mục đích xấu" và chống bạo lực của cảnh sát.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp các thành phố lớn của Pháp như: Paris, Lyon, Bordeaux, Lille, Strasbourg, Montpellier và nhiều thành phố khác tại Pháp. Những người tham gia biểu tình thuộc nhiều thành phần, trong đó, có các nhà hoạt động cánh tả, các nhóm bảo vệ nhân quyền, các phe phái chính trị và những người biểu tình “Áo vàng”...
Bộ Nội vụ Pháp cho biết, riêng tại thủ đô Paris có khoảng 46 nghìn người tham gia biểu tình, chủ yếu tập trung tại hai Quảng trường Cộng hòa và Bastille. Buổi chiều, một số người biểu tình quá khích đã bắn pháo hoa, dựng chướng ngại vật, ném đá vào lực lượng cảnh sát, đốt xe ô-tô và đập phá các cửa hàng trên phố. Đáp trả, cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình.
Kênh truyền hình BFMTV đưa tin, tính đến 19 giờ 45 phút tối cùng ngày, đã có 37 nhân viên cảnh sát bị thương trong các cuộc đụng độ với những người biểu tình trên cả nước, trong đó, riêng tại Paris có 23 nhân viên cảnh sát bị thương. Ít nhất có 46 người biểu tình đã bị lực lượng cảnh sát bắt giữ.
Trên trang cá nhân Twitter, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, viết: “Một lần nữa, tôi lên án hành vi bạo lực không thể chấp nhận được đối với cảnh sát”.
Những người biểu tình kêu gọi rút lại Điều 24 dự luật “An ninh toàn diện”, một trong những yếu tố gây tranh cãi nhất. Điều 24 của dự luật cho phép hình sự hóa việc công bố hình ảnh của các sĩ quan cảnh sát đang thi hành công vụ nếu được thực hiện vì "mục đích xấu". Người nào vi phạm có thể bị phạt tù đến một năm và bị phạt tiền tới 45 nghìn euro.
Dự luật đã được Quốc hội thông qua vào tuần trước và đang chờ được Thượng viện phê chuẩn, đã gây ra các cuộc biểu tình và bị các tổ chức truyền thông trên khắp nước Pháp phản đối.
Cuộc biểu tình diễn ra vài ngày sau khi xuất hiện hình ảnh video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, các nhân viên cảnh sát đã đánh đập một nhà sản xuất âm nhạc người da đen ở quận 17, Paris, tên là Michel Zecler.
Viết trên trang cá nhân trên Facebook và Twitter Tổng thống Emmanuel Macron cho biết: “Những hình ảnh chúng ta đều thấy về việc đánh đập Michel Zecler là không thể chấp nhận được. Họ làm chúng ta cảm thấy thấy hổ thẹn”.
Ngày 27-11, bốn cảnh sát đánh đập nhà sản xuất âm nhạc nói trên đã bị tạm giữ để điều tra vì tội “bạo lực cố ý từ phía nhân viên công lực” và “kỳ thị chủng tộc”.
Điều đáng nói, trong khi chính phủ Pháp đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan, các cuộc biểu tình đông người vẫn diễn ra khiến nhiều người lo ngại sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Cơ quan Y tế Pháp ngày 28-11 cho biết, trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 12.580 ca nhiễm Covid-19 mới và 213 người tử vong. Tính đến nay, Pháp đã có 2.196.119 người nhiễm Covid-19, trong đó có 51.914 ca tử vong.