Pháp kêu gọi I-ran hợp tác

Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 4-4, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi I-ran thể hiện lập trường mang tính xây dựng trong cuộc đàm phán sắp tới. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp I-ran G.Da-ríp, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp G.Lơ Ðri-ăng cho biết, ông đã đề nghị Tê-hê-ran không vi phạm thêm các cam kết hạt nhân hiện tại để hỗ trợ cuộc đàm phán. Pháp kêu gọi I-ran thể hiện tinh thần xây dựng trong cuộc thảo luận sắp diễn ra nhằm giúp xác định các bước cần thiết trong những tuần tới để trở lại tuân thủ hoàn toàn Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 4-4, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi I-ran thể hiện lập trường mang tính xây dựng trong cuộc đàm phán sắp tới. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp I-ran G.Da-ríp, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp G.Lơ Ðri-ăng cho biết, ông đã đề nghị Tê-hê-ran không vi phạm thêm các cam kết hạt nhân hiện tại để hỗ trợ cuộc đàm phán. Pháp kêu gọi I-ran thể hiện tinh thần xây dựng trong cuộc thảo luận sắp diễn ra nhằm giúp xác định các bước cần thiết trong những tuần tới để trở lại tuân thủ hoàn toàn Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran G.Da-ríp cho biết, trong cuộc điện đàm, ông kêu gọi phía Pháp tôn trọng các cam kết theo thỏa thuận và ngừng chấp hành các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt.

Kênh truyền hình Press TV dẫn lời Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) A.Xa-lê-hi cho biết, I-ran đã sản xuất 50 kg u-ra-ni được làm giàu ở cấp độ 20%. Ông A.Xa-lê-hi khẳng định, I-ran đã khởi động quá trình làm giàu u-ra-ni cấp độ 20% như một phần trong kế hoạch được Quốc hội I-ran thông qua vào tháng 12-2020 nhằm đối phó các lệnh trừng phạt.

Tổ chức Năng lượng nguyên tử I-ran thông báo, nếu có một thỏa thuận về việc Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA và I-ran kiểm chứng được điều đó, I-ran có thể ngay lập tức ngừng làm giàu u-ra-ni 20% cũng như những hoạt động tương tự. I-ran tuyên bố việc giảm một số cam kết theo JCPOA là phản ứng đáp trả động thái của Mỹ rút khỏi thỏa thuận và những nước châu Âu trong thỏa thuận đã không bảo vệ được những lợi ích của Tê-hê-ran trước các lệnh trừng phạt của Oa-sinh-tơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/phap-keu-goi-i-ran-hop-tac-640910/