Pháp kêu gọi người dân sử dụng tiền tiết kiệm để vực dậy nền kinh tế
Ngày 29-5, Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Pénicaud kêu gọi người dân trở lại thói quen chi tiêu, sử dụng 60 tỷ euro 'đã tiết kiệm' trong thời gian phong tỏa để nối lại hoạt động tiêu dùng và góp phần vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội hiện nay.
NDĐT - Ngày 29-5, Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Pénicaud kêu gọi người dân trở lại thói quen chi tiêu, sử dụng 60 tỷ euro "đã tiết kiệm" trong thời gian phong tỏa để nối lại hoạt động tiêu dùng và góp phần vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội hiện nay.
Theo Bộ trưởng Muriel Pénicaud, số tiền tiết kiệm của người Pháp trong thời gian vừa qua được lưu thông sẽ giúp khởi động lại hoạt động thương mại và công nghiệp. Bà Muriel Pénicaud nhấn mạnh: Số tiền này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nối lại hoạt động kinh tế.
Trong suốt thời gian phong tỏa từ ngày 17-3 đến 11-5, người dân Pháp chủ yếu chi tiền để mua hàng thiết yếu. Theo số liệu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) công bố ngày 29-5, mức tiêu dùng hộ gia đình đã giảm 1/3 (33,7%) trong tháng 4 so với tháng 2 và 20,2% so với tháng 3.
Hoạt động chi tiêu trừ hàng thiết yếu của người dân Pháp đã bị hạn chế tối đa trong cả tháng 4 do các cửa hàng cũng như dịch vụ đời sống đóng cửa. Trong thời gian cao điểm này của dịch bệnh, các khoản chi không cần thiết được hoãn lại và người dân chuyển sang tiền tiết kiệm vì lo ngại về suy thoái kinh tế và mất việc. So với tháng 4-2019, tiêu dùng hộ gia đình cũng đã giảm hơn một phần ba (34,1%).
Do đà lây nhiễm của virus corona đã chậm lại đáng kể, ngày 28-5, Chính phủ Pháp công bố giai đoạn 2 của lộ trình dỡ bỏ phong tỏa nhằm khôi phục nhiều hơn nữa hoạt động trên các lĩnh vực. Đây là giai đoạn quan trọng để khởi động lại cỗ máy kinh tế bị đình trệ nghiêm trọng trong thời gian qua, chỉ hoạt động 75% trong tháng 5 so với mức bình thường. Theo dự báo của INSEE, GDP của Pháp có nguy cơ giảm tới 20% trong quý 2 năm nay.
Sau gần 3 tuần dỡ bỏ phong tỏa, người dân còn rất thận trọng, chờ thời điểm dịch bớt hẳn để tiến hành việc mua sắm bị gián đoạn trong 2 tháng qua. Hoạt động sản xuất cùng với cửa hàng đang hồi phục nhanh chóng nhưng còn chờ sự trở lại mạnh mẽ của người tiêu dùng.
Trước tình hình như vậy, Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Lao động Pháp cho rằng còn rất nhiều rủi ro mà cuộc khủng hoảng dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế và việc làm. Việc chi tiêu, nhất là tiền tiết kiệm, của người dân là yếu tố quan trọng để vực dậy nền kinh tế hiện đang bị khủng hoảng nặng nề.
Bộ trưởng Muriel Pénicaud nói: Tôi cho rằng với các điều kiện ngăn ngừa lây nhiễm như hiện nay người dân có thể ra ngoài để thực hiện nhu cầu chi tiêu. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường dù virus chưa hết hẳn.
Cũng trong tháng 5, lạm phát giảm mạnh xuống còn 0,2% do sự sụt giảm rất lớn của giá nhiên liệu và sản phẩm hàng hóa như thép, máy móc hay dệt may. Theo INSEE, sự sụt giảm này trong một năm cũng xuất phát từ mức sụt giảm của thực phẩm trong khi giá tiêu dùng vẫn ổn định trong một tháng.
Chính phủ Pháp đã dự báo GDP sụt giảm 8% cho cả năm nay, tuy nhiên INSEE ước tính mức suy giảm có thể tồi tệ hơn nhiều. Do vậy, sự lo ngại của các hộ gia đình kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế trong thời gian tới.
Kể từ ngày 2-6, người dân không còn bị hạn chế di chuyển trong phạm vi 100km. Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán cà-phê và quan bar có thể mở cửa trở lại. Riêng ở nhưng khu vực "màu da cam," còn nhiều nguy cơ như Paris, khách hàng không được ngồi bên trong nhà hàng. Như vậy lĩnh vực quan trọng này trong nền kinh tế Pháp có thể hy vọng lấy lại đà phục hồi sau gần ba tháng đóng cửa và bị thất thu nặng nề.