Pháp khẩn trương đưa người vô gia cư ra khỏi Paris để chuẩn bị cho Olympics
CNN cho biết trong vài tháng qua, giới chức Pháp nỗ lực đẩy nhanh công tác đưa người vô gia cư từ thủ đô Paris đến các vùng khác của đất nước để chuẩn bị cho Olympics mùa hè 2024.
Vào một buổi sáng tại Paris, gần ga tàu điện ngầm Stalingrad, hàng trăm người di cư ngủ chen chúc dưới gầm cầu vượt. Một số nằm trên mảnh bìa cứng hoặc nệm cũ, số khác nằm bên vệ đường.
Thời gian qua, tin tức xe buýt của chính quyền sẽ đến đón người di cư lan truyền khắp nơi. Người thì háo hức chờ đợi với hy vọng được cấp chỗ ở, người thì lo sợ sắp bị ép buộc rời khỏi thủ đô.
Giới chức Pháp đã và đang nỗ lực đẩy nhanh công tác đưa người vô gia cư từ Paris đến các vùng khác của đất nước như một phần trong kế hoạch giảm bớt áp lực cho dịch vụ lưu trú khẩn cấp của thành phố. Mỗi tuần có 50 - 150 người được đưa đến 1 trong 10 địa điểm trên toàn quốc.
Bất chấp giới chức Pháp phủ nhận công tác đưa người vô gia cư ra khỏi thủ đô liên quan đến sự kiện Olympics tổ chức ở nước này trong năm tới, một số tổ chức phi chính phủ tin rằng đại hội thể thao sắp diễn ra là một phần lý do thúc đẩy Pháp triển khai kế hoạch “dọn dẹp” Paris.
Người tị nạn Obsa (đến từ Ethiopia) nói với CNN: “Chúng tôi nghe nói hôm nay họ sẽ đến đưa chúng tôi đi, tôi không biết đi đâu”. Năm 2017 anh đã phải thực hiện hành trình nguy hiểm từ Ethiopia qua Sudan và Libya, rồi di chuyển qua Địa Trung Hải đến Ý và cuối cùng dừng lại tại Pháp.
Giờ đây Obsa có công việc ở Paris, nhưng nhiều năm qua anh vẫn chưa thể tìm được nơi ở ổn định, chủ yếu do chi phí thuê nhà quá cao và số lượng nhà ở xã hội hạn chế. Anh vốn phải dựa vào dịch vụ lưu trú khẩn cấp trong một khách sạn, nhưng khi vợ anh đến ở cùng thì khách sạn không chấp nhận nữa.
Obsa không phải trường hợp cá biệt. Giám đốc tổ chức phi chính phủ Medecins Du Monde Paul Alauzy cho biết trước thềm Olympics, hàng loạt khách sạn ở Paris hủy hợp đồng cung cấp dịch vụ lưu trú khẩn cấp với chính quyền nhằm dành phòng cho khách du lịch sắp đến.
Theo nhóm bảo trợ Federation of Solidarity Actors, đã có ít nhất 5.000 khách sạn hủy hợp đồng. Chính quyền thành phố nói với CNN rằng nhờ họ tìm được giải pháp thay thế nên số điểm lưu trú khẩn cấp mất đi chỉ khoảng 2.000.
Vấn đề không chỉ ở việc mất nơi ở, mà còn là tình trạng người vô gia cư dồn về một khu vực nhất định. Khoảng một nửa số người vô gia cư của Pháp tập trung tại vùng Ile-de-France nơi họ có thể tiếp cận nhiều tổ chức từ thiện, có nhiều cơ hội việc làm và kết nối xã hội hơn.
CNN ghi nhận cảnh các xe buýt lớn màu trắng đậu trên đường, mỗi chiếc ghi điểm đến khác nhau chẳng hạn như Bordeaux hay Marseille (cách thủ đô hàng trăm km). Tình nguyện viên cùng cảnh sát trò chuyện với người vô gia cư. Cơ quan chức năng dùng loa thông báo người vô gia cư có thể chọn điểm đến, trường hợp muốn ở lại cần chứng minh họ có hợp đồng làm việc dài hạn.
Người ở lại chưa chắc có nơi ở nhưng Obsa kiên quyết không rời đi: “Tôi không thể rời đi, tôi còn hợp đồng làm việc một năm. Ít nhất tôi phải ở lại Ile-de-France”.
Phái đoàn liên bộ về Chỗ ở và Tiếp cận Nhà ở Pháp (Dihal) cho biết, từ tháng 4 đến nay đã di dời được 1.800 người vô gia cư. Toàn quốc có khoảng 10 điểm lưu trú tạm thời, mỗi điểm tiếp nhận tối đa 50 người.
Đánh giá việc đưa người vô gia cư ra khỏi Paris về cơ bản là ý tưởng tốt, nhưng nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Utopia 56 Yann Manzi lưu ý rằng vấn đề không được giải quyết triệt để vì các điểm lưu trú tạm thời lại chỉ cho phép ở 3 tuần.
Tại điểm lưu trú tạm thời, người vô gia cư được hỗ trợ tìm việc làm cùng nơi ở, tuy nhiên không phải ai cũng thành công. Theo ông Manzi thì khoảng 25 - 30% sẽ lại sống ngoài đường phố. Tỷ lệ này ở Bordeaux thậm chí lên đến 40%, không loại trừ khả năng họ quay về Paris. Theo Dihal, vài tuần gần đây số người rời khỏi điểm lưu trú tạm thời rơi vào khoảng 17%.
Số điểm lưu trú tạm thời cũng không đủ, hệ quả là người vô gia cư vẫn vô gia cư, chỉ là không phải ở Paris mà thôi. Thị trưởng Lyon Sandrine Runel nhận xét chính quyền trung ương quá vội vàng muốn giải quyết tình hình thủ đô mà không đảm bảo các khu vực khác đủ nguồn lực ứng phó: “Olympics là cái cớ để đưa người vô gia cư đến nơi khác. Họ chẳng cần suy nghĩ, thậm chí chẳng kiểm tra khả năng tiếp nhận”.