Pháp khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu vũ khí
Là quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) và cũng là nước thành viên có vai trò quan trọng trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Pháp đang có mặt trong danh sách bộ ba nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Theo báo cáo phân tích thị trường vũ khí toàn cầu mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Pháp chiếm vị trí thứ 3 trong số những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2019, xuất khẩu vũ khí của Pháp chiếm 7,9% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Đây là mức xuất khẩu vũ khí trong giai đoạn 5 năm cao kỷ lục của Paris kể từ năm 1990. Mặc dù đứng thứ 3 nhưng Pháp có khoảng cách khá xa so với hai nước dẫn đầu là Mỹ (36%) và Nga (21%).
Báo cáo của SIPRI cho biết, trong giai đoạn trên, Pháp đã bán vũ khí cho 75 quốc gia, trong đó 3 khách hàng lớn là Ai Cập, Qatar và Ấn Độ. Nhà nghiên cứu Diego Lopes da Silva của SIPRI cho biết: "Ngành công nghiệp quân sự của Pháp được hưởng lợi từ nhu cầu vũ khí ở Ai Cập, Qatar và Ấn Độ”. Đáng chú ý, trong 5 năm qua, Pháp đã tăng mức xuất khẩu vũ khí lên 72% so với giai đoạn 2010-2014. Con số 72% cũng là mức tăng lớn nhất trong số các nước thành viên NATO. Bước nhảy vọt này chủ yếu bắt nguồn từ những thành công của các thương vụ lớn, do hai hãng sản xuất vũ khí hàng đầu nước Pháp là Dassault Aviation và Naval Group thực hiện. Theo tờ Gazeta của Nga, hãng sản xuất máy bay Dassault Aviation đã bán máy bay chiến đấu Rafale cho Ai Cập, Ấn Độ và Qatar. Trong khi đó, Naval Group đã trở thành nhà xuất khẩu tàu chiến hàng đầu thế giới khi cung cấp tàu ngầm cho Brazil và Ấn Độ, tàu khu trục cho Malaysia và Saudi Arabia (UAE) cũng như tàu quét mìn cho Bỉ và Hà Lan. Ông Konstantin Makienko, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cấu trúc xuất khẩu vũ khí của Pháp là bán máy bay chiến đấu. Theo ông Makienko, sản phẩm được các khách hàng mua vũ khí trên thế giới tìm kiếm nhiều nhất là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ tư Rafale. Do đó, Paris không ngại ngần đầu tư cải tiến dòng máy bay này, vốn đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 4-7-1986, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu vũ khí trên thế giới. Đơn cử như vào năm 2019, Chính phủ Pháp đã ký với Dassault Aviation một hợp đồng trị giá 2 tỷ euro để phát triển Rafale lên phiên bản F4. Dự kiến hợp đồng này sẽ được hoàn tất vào năm 2024.
Giới phân tích đánh giá, các hợp đồng xuất khẩu vũ khí góp phần giảm bớt thâm hụt thương mại của Pháp, đồng thời đóng vai trò an ninh rất quan trọng đối với quốc gia hình lục lăng này. Theo ông Hervé Guillou, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Naval Group, không có nước châu Âu nào đủ sức duy trì khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp quốc phòng chỉ bằng chính thị trường nội địa. Cả các chính trị gia và lãnh đạo của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp đều hiểu rằng, nếu không xuất khẩu vũ khí, nước này không thể có đủ khả năng cung cấp và sản xuất cho quân đội của mình những vũ khí hiện đại nhất. Việc mua vũ khí nước khác, chủ yếu từ Mỹ, với nhiều thủ tục có thể làm trì hoãn quá trình mua sắm trang thiết bị quân sự của quân đội Pháp.
Theo dự báo của SIPRI, với tất cả đơn đặt hàng đã được ký kết, xuất khẩu vũ khí Pháp sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong ít nhất 5 năm tới. Tuy nhiên, Pháp cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong bối cảnh cuộc đua giành "miếng bánh" trên thị trường vũ khí toàn cầu ngày càng khốc liệt hơn do cạnh tranh gia tăng từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc và Đức. Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách mua sắm vũ khí của các khách hàng cũng là vấn đề khiến Paris không thể không bận tâm. Ví dụ điển hình nhất là Ai Cập-khách hàng mua vũ khí lớn của Pháp đang hướng tới việc đa dạng hóa nguồn cung.