Pháp kỷ niệm ngày Quốc khánh giữa những thách thức kéo dài
Phát biểu nhân dịp quốc khánh, Tổng thống Pháp Macron lưu ý người dân cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với khả năng Nga 'ngừng cung cấp khí đốt' và những 'khó khăn kéo dài' trong thời gian tới.
Ngày 14/7, tại đại lộ Elyseé của thủ đô Paris, lễ diễu binh truyền thống đã được tổ chức nhân ngày Quốc Khánh Pháp.
Sự kiện có sự góp mặt của các khách mời danh dự là đại diện của 9 nước Đông Âu thành viên của Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và lực lượng Pháp tham gia bảo vệ khu vực biên giới của NATO sát với Ukraine.
Với chủ đề "Chia sẻ ngọn lửa," lễ diễu binh thu hút sự tham dự của hơn 6.000 người.
Buổi lễ cũng là dịp để Pháp giới thiệu các phương tiện và thiết bị quân sự như máy bay quân sự, máy bay không người lái, trực thăng, xe cơ giới, xe trinh sát, xe bọc thép thế hệ mới... và cả ngựa.
Khoảng 125.000 cảnh sát và hiến binh được huy động để bảo đảm an ninh cho ngày lễ trên toàn quốc.
Nhiều thành phố đã bắn pháo hoa mừng Quốc khánh, trừ một số địa phương ở miền Nam nước Pháp do đang bị nắng nóng và cháy rừng diện rộng.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 và France 2 sau lễ diễu binh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc tới bối cảnh hiện nay ở trong nước và khu vực, từ những căng thẳng chính trị không có lợi cho đảng cầm quyền đến tình trạng lạm phát và giá cả leo thang khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, người dân cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với khả năng Nga "ngừng cung cấp khí đốt" và những "khó khăn kéo dài" khác trong thời gian tới.
Về hành động của chính phủ, Tổng thống Macron cam kết sẽ "đẩy mạnh" tiến trình chuyển đổi năng lượng bằng một "kế hoạch an toàn" vào mùa Hè này, đồng thời khẳng định năng lượng hạt nhân vẫn là giải pháp bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Ông cũng dự kiến sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về thúc đẩy việc làm và cải cách hưu trí vào mùa Thu năm nay.
Liên quan đến việc thúc đẩy các chủ trương cải cách mà không có sự ủng hộ của đa số tuyệt đối trong Quốc hội, Tổng thống Macron cho biết ông sẽ tiến hành trưng cầu dân ý.
Ông cũng xác nhận muốn thành lập Hội đồng Cải cách Quốc gia vào tháng 9 tới và kêu gọi doanh nghiệp cũng như người dân ủng hộ chính phủ trong việc triển khai các giải pháp cải cách.
Nhân dịp này, Tổng thống Macron cũng nói rõ sẽ "đánh giá lại mục tiêu" quân sự của Pháp cho giai đoạn 2024-2030, đồng thời đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine, nguy cơ tấn công mạng và xu hướng xuất hiện xung đột trở lại trên không gian hay các tuyến hàng hải.
Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định sẽ đảm bảo ngân sách quân đội để nước Pháp “có đủ nguồn dự trữ" đối phó, đồng thời tiếp tục củng cố các nỗ lực đã triển khai từ năm 2018, trong đó có việc đẩy nhanh sản xuất vũ khí nhiều hơn và hiện đại hơn.
Hiện Tổng thống Macron đã giao Bộ Quốc phòng hoàn thiện Luật về Chương trình quân sự mới (LPM) vào cuối năm 2022 để đưa ra thảo luận ở Nghị viện vào đầu năm 2023./.