Pháp luật quy định như thế nào là giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép?

Bạn đọc Điểu Hòa ở xã Đạ K'nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào là giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

- Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

- Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

- Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Bạn đọc Lâm Khel ở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, người phạm tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp có thể phải chịu những hình phạt nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 325 Bộ luật Hình sự hiện hành. Cụ thể như sau:

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với 2 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi;

d) Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-la-giao-dich-dan-su-vo-hieu-do-bi-lua-doi-de-doa-cuong-ep-782768