Pháp luật quy định như thế nào về các hành vi bị nghiêm cấm về dân quân tự vệ

Bạn đọc Phạm Văn Long ở xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về các hành vi bị nghiêm cấm về dân quân tự vệ?

Trả lời: Theo Điều 14, Luật Dân quân tự vệ, các hành vi sau bị nghiêm cấm về dân quân tự vệ

1. Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức, huấn luyện, điều động, sử dụng dân quân tự vệ trái pháp luật.

2. Trốn tránh, chống đối, cản trở việc tổ chức, huấn luyện, hoạt động và thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

3. Giả danh dân quân tự vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của dân quân tự vệ được giao xâm phạm lợi ích của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Sản xuất, vận chuyển, mua bán, thu gom, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái pháp luật vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, trang phục, sao mũ, phù hiệu, tài sản của dân quân tự vệ.

6. Phân biệt đối xử về giới trong công tác dân quân tự vệ.

* Bạn đọc Phạm Thị Huệ ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về các hành vi vi phạm quy định về an toàn, an ninh dầu khí?

Trả lời: Theo Điều 9, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, các hành vi vi phạm quy định về an toàn, an ninh dầu khí bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không xây dựng, không duy trì hoặc không phát triển hệ thống quản lý an toàn theo quy định;

b) Không xây dựng đầy đủ các tài liệu quản lý an toàn bao gồm: Chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo quy định.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thiết lập vùng an toàn và không duy trì tín hiệu an toàn cho các công trình phục vụ hoạt động dầu khí theo quy định;

b) Đưa các công trình tìm kiếm thăm dò, khai thác vào vận hành nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Thả neo trái phép các phương tiện tàu, thuyền trong phạm vi 02 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí biển;

d) Xâm nhập trái phép hoặc tiến hành các hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào trong vùng an toàn dầu khí của các công trình dầu khí trên biển khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc tiến hành hợp pháp các hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động của công trình tìm kiếm thăm dò, khai thác từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 điều này.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-cac-hanh-vi-bi-nghiem-cam-ve-dan-quan-tu-ve-651832