Pháp luật quy định như thế nào về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân?

* Bạn đọc Nguyễn Đăng Hạnh ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 113 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017. Cụ thể như sau:

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo điều này.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

* Bạn đọc Trần Thị Thành ở đường Tôn Đức Thắng, phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về nhiệm vụ, quyền hạn của hội thẩm nhân dân trong tố tụng dân sự?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 49 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2022. Cụ thể như sau:

Khi được chánh án tòa án phân công, hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;

2. Đề nghị chánh án tòa án, thẩm phán ra các quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền;

3. Tham gia hội đồng xét xử vụ án dân sự;

4. Tiến hành các hoạt động tố tụng và ngang quyền với thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-toi-khung-bo-nham-chong-chinh-quyen-nhan-dan-731281