Pháp luật quy định như thế nào về trình tự gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam?
* Bạn đọc Kiều Thanh Tâm ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về trình tự gia hạn giấy phép lao động (GPLĐ) đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 18 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30-12-2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể như sau:
1. Trước ít nhất 5 ngày nhưng không quá 45 ngày trước ngày GPLĐ hết hạn, người sử dụng lao phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn GPLĐ cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc sở lao động-thương binh và xã hội đã cấp GPLĐ đó.
2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn GPLĐ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc sở lao động-thương binh và xã hội gia hạn GPLĐ. Trường hợp không gia hạn GPLĐ thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
3. Đối với người lao động nước ngoài thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), sau khi người lao động nước ngoài được gia hạn GPLĐ thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết HĐLĐ bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động phải gửi HĐLĐ đã ký kết theo yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền đã gia hạn GPLĐ đó. HĐLĐ là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.
* Bạn đọc Nguyễn Văn Huỳnh ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành. Cụ thể như sau:
1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị, Chánh án TANDTC đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
2. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án TANDTC có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TANDTC để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
3. Trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Trường hợp Chánh án TANDTC đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán TANDTC mở phiên họp xem xét đề nghị đó.