Pháp luật quy định như thế nào về việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng?

Bạn đọc Thiều Thanh Quang ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng?

Trả lời: Điều 21 Luật Công nghệ thông tin quy định việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng như sau:

1. Tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác có trách nhiệm sau đây:

a) Thông báo cho người đó biết về hình thức, phạm vi, địa điểm và mục đích của việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người đó;

b) Sử dụng đúng mục đích thông tin cá nhân thu thập được và chỉ lưu trữ những thông tin đó trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên;

c) Tiến hành các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy;

d) Tiến hành ngay các biện pháp cần thiết khi nhận được yêu cầu kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ theo quy định từ các cá nhân, tổ chức; không được cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân liên quan cho đến khi thông tin đó được đính chính lại.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó trong trường hợp thông tin cá nhân đó được sử dụng cho mục đích sau đây:

a) Ký kết, sửa đổi hoặc thực hiện hợp đồng sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng;

b) Tính giá, cước sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng;

c) Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Nguyễn Văn Quân ở tổ 4, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm không bảo đảm an toàn được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 35 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định việc thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm không bảo đảm an toàn như sau:

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải lưu trữ các thông tin liên quan đến nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm và khách hàng trong trường hợp khách hàng đã mua sản phẩm đó thông qua hợp đồng, sổ sách ghi chép hoặc các phương thức khác để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Các thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc bao gồm:

a) Tên, chủng loại sản phẩm đã mua, đã bán;

b) Ngày, tháng, năm, số lượng, khối lượng, số lô, số mẻ của sản phẩm (nếu có) đã mua, bán.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-viec-thu-thap-xu-ly-va-su-dung-thong-tin-ca-nhan-tren-moi-truong-mang-656820