Pháp luật TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Càng gần đến dịp Tết cổ truyền, dịch vụ cho vay lãi nặng càng nở rộ. Nhiều người vốn đã gặp khó do tác động của đại dịch Covid-19 nay lại khốn đốn hơn khi mắc vào lưới của tín dụng đen.
Nhiều đường dây bị triệt phá
Đầu tháng 12/2021, đường dây cho vay nặng lãi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do đối tượng Đào Xuân Thắng (31 tuổi, trú huyện Nhà Bè) cầm đầu đã bị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá. Đối tượng này có hai tiền án về tội "Cố ý gây thương tích" và "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Theo kết quả điều tra, đường dây này hoạt động từ tháng 5/2020 do Thắng cùng một số đàn em thuê căn hộ chung cư để hoạt động cho vay nặng lãi, mở các đường dây tín dụng đen. Thắng điều hành toàn bộ hoạt động của băng nhóm từ khoản vay, hình thức, lãi suất. Qua điều tra, đường dây tín dụng đen của Thắng lấy lãi từ 300% đến hơn 1.000%/năm.
Thắng thường cho khách vay với hai hình thức: Vay trả tiền góp theo ngày, lãi suất từ 282% - 1.738%/năm; vay "lãi nằm"-đóng tiền lãi 15 ngày một lần, lãi suất 5.000 đồng/một triệu đồng/ngày hoặc 1,5%/ngày, tương đương mức lãi suất 180% - 547,5%/năm.
Để lôi kéo người vay tiền, nhóm của Thắng đăng quảng cáo trên các website, mạng xã hội; kết nối các đối tượng môi giới làm trong ngành ngân hàng, tài chính để giới thiệu người đang có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, đầu tư, buôn bán, đặc biệt là những người có nhu cầu đáo nợ ngân hàng. Đến hẹn trả tiền, các đàn em của Thắng sẽ nhắn tin, gọi điện đôn đốc người vay trả nợ đúng hẹn. Đối với những người chậm đóng lãi, tiền góp hằng ngày, Thắng chỉ đạo đàn em gây sức ép. Với thủ đoạn cho vay kiểu "lãi chồng lãi", nhiều người vay mặc dù đã trả cho nhóm của Thắng số tiền lãi gấp nhiều lần tiền gốc nhưng vẫn chưa hết nợ, phải chuyển nhượng tài sản có giá trị cao như căn hộ, ô-tô. Công an xác định, nhóm Thắng đã có hàng trăm khách hàng với số tiền cho vay lên tới hàng trăm tỷ đồng…
Cùng thời gian đầu tháng 12/2021, Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Đỗ Đường Minh Tâm (biệt danh Tâm Ken) vì liên quan băng nhóm cho vay nặng lãi. Trước đó, cơ quan công an đã khởi tố 13 người khác liên quan đến đường dây này.
Thông tin ban đầu, Tâm có quan hệ tình cảm với chị Đ.T.T.L (ngụ quận Bình Thạnh) từ năm 2019. Khi biết chị L. làm dịch vụ "đáo hạn ngân hàng", Tâm gợi ý cho người tình vay lấy lãi. Để mở rộng làm ăn, Tâm móc nối thêm nhiều nhóm cho vay nặng lãi khác để "bơm" tiền cho người tình đáo hạn ngân hàng với nhiều gói khác nhau. Với kiểu vay đáo hạn, Tâm cho L. vay lãi suất từ 0,5%-2,5%/ngày và 18%/tháng, mức lãi suất được thỏa thuận theo từng gói vay và thời điểm vay.
Đến đầu năm 2020, do công việc không thuận lợi, L. không còn khả năng chi trả gốc lẫn lãi nên Tâm chấm dứt quan hệ tình cảm và thúc ép L. trả nợ. Thậm chí, Tâm cùng đồng bọn còn kéo đến nhà của cha mẹ L. tại quận Bình Thạnh uy hiếp, buộc trả nợ thay bằng cách bán nhà với tổng số tiền 169 tỷ đồng, trong đó 34 tỷ đồng là tiền lãi. Tuy nhiên, bọn chúng vẫn chưa chịu buông tha, bắt chị L. phải viết giấy lãnh nợ khống thêm hàng chục tỷ đồng…
Tại địa bàn Đồng Nai, Tây Ninh… Cơ quan chức năng cũng triệt phá nhiều nhóm tín dụng đen có tổ chức, liên quan hàng chục đối tượng cộm cán.
Nhiều chiêu trò mới
Trao đổi về vấn đề nhức nhối này, Đại tá Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, lợi dụng tình hình khó khăn do dịch Covid-19 và dịp cuối năm, nhu cầu về vốn nhiều và cả tiền để chi tiêu cuối năm nên các đối tượng sẽ đẩy mạnh dùng các phương thức, thủ đoạn dụ dỗ, rao tìm người cần vay với các thủ tục đơn giản, lãi suất không cao nhưng ẩn đằng sau là hàng loạt phí dịch vụ "cắt cổ"… Đây thực chất là một cách lách luật của các đối tượng cho vay lãi nặng. Bởi thực tế khi đã vay tiền thì người vay sẽ phải trả tiền lãi rất cao, khi không trả được hoặc chậm trả thì các đối tượng sẽ có hàng loạt hành động đe dọa, siết nợ, thậm chí có thể dẫn đến các hành vi phạm tội khác liên quan việc vay tiền này.
Trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nhâm Dần 2022 (từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/2/2022), Bộ Công an quán triệt công an các đơn vị, địa phương tập trung tiếp tục đấu tranh quyết liệt với tội phạm, đặc biệt là tín dụng đen. Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác trước các loại hình cho vay qua mạng không rõ ràng, không phải của các tổ chức tài chính uy tín.