Pháp luật TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Tình hình tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Nhớ lại những ngày khốn khổ, nạn nhân Lùng Thị X. (SN 2005 ở bản Sểnh Sảng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ) chia sẻ: Vì mang thai ngoài ý muốn khi mới 16 tuổi, em lo lắng không dám kể với gia đình. Nhân lúc gia đình không có ai ở nhà em đã đi theo đối tượng Ma A Hồng (ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ) với lời hứa lên thành phố Lai Châu tìm việc làm. Khi đưa em đến ngã ba Mường So, Hồng đổi hướng di chuyển về phía Cửa khẩu Ma Lù Thàng rồi đưa em vượt suối sang Trung Quốc và giao cho một người đàn ông. Khi sang đến đất bạn, em mới biết mình bị bán nhưng lúc đó không thể liên lạc cho gia đình. Em sống trong lo lắng, sợ hãi suốt 2 tháng. Nuôi hy vọng trở về em đã nghe theo lời người đàn ông Trung Quốc mà em sống cùng để rồi một ngày em lừa người đàn ông đó đưa em đi chơi, sau đó em chạy vào Đồn Công an Trung Quốc trình báo. May mắn em đã được trở về nhà với vòng tay yêu thương của gia đình.

Cán bộ Đồn Biên phòng Dào San (huyện Phong Thổ) phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân qua loa truyền thanh của xã.

Cán bộ Đồn Biên phòng Dào San (huyện Phong Thổ) phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân qua loa truyền thanh của xã.

Em X. đã may mắn trở về nhà, nhưng những đau thương, tủi nhục cả về thể xác lẫn tinh thần mà em phải gánh chịu suốt quãng thời gian bị bán sang Trung Quốc vẫn là vết thương lòng mãi mãi không thể nào lành lại. Rồi giờ đây em làm mẹ ở tuổi còn vị thành niên, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, gia đình lại đông anh em, bố mẹ đã già nhưng hằng ngày vẫn phải lam lũ, tảo tần để chăm lo cho 7 anh em X. Nghĩ về những ngày sắp tới X. và anh trai không khỏi bận lòng. Nhìn xa xăm với ánh mắt buồn rầu, lo lắng, Lùng A Sung (anh trai X.) chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của gia đình là sớm bắt được đối tượng đã lừa bán em gái tôi và pháp luật trừng phạt thích đáng để đòi lại công bằng cho gia đình và răn đe, cảnh tỉnh những ai đang có ý định phạm tội mua bán người.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, Công an tỉnh đã bắt 38 vụ, hơn 80 nạn nhân bị mua bán. Thiếu tá Vũ Tuấn Dũng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Những năm qua, tình trạng buôn bán người diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Những nạn nhân bị bán thường là đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao như: thiếu hiểu biết về pháp luật, xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ, cả tin; gặp khó khăn về kinh tế cần tìm kiếm việc làm; có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài để “đổi đời”… Nắm được tâm lý đó, đối tượng phạm tội thường sử dụng sim rác thông qua mạng xã hội để giao lưu, kết bạn rồi tìm hiểu, giả vờ yêu đương, giúp đỡ, tạo dựng lòng tin và dụ dỗ bằng tiền, những lời hứa đường mật về một cuộc sống giàu sang, sung sướng nơi đất bạn Trung Quốc để rồi các nạn nhân tin và bị lừa bán, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Công an tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở cơ sở thông qua các buổi họp dân ở khu dân cư, các buổi sinh hoạt, hội họp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân. Nhất là chú trọng vào các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Thông tin về những hậu quả, vụ án mua bán người bị xét xử. Vận động bà con cảnh giác với người lạ, không tin, không nghe theo kẻ xấu. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân và răn đe, cảnh tỉnh những người có ý định phạm tội. Công an các xã, thị trấn tăng cường bám nắm địa bàn nắm bắt thông tin từ cơ sở nhanh, kịp thời chính xác.

Đặc biệt, để nâng cao nhận thức, kiềm chế tội phạm mua bán người, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường xây dựng Mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp, giáo dục, cảm hóa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật; phòng ngừa trẻ em bị xâm hại” và “Phòng ngừa tội phạm mua bán người”. Các hoạt động của mô hình tập trung vào tư vấn, phục hồi tâm lý, trang bị kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân bị xâm hại, nạn nhân bị mua bán. Qua mô hình nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, quần chúng Nhân dân trong công tác phòng, chống mua bán người, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn bàn.

Để ngăn chặn tội phạm mua bán người, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các trường học… tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên. Tăng cường tuần tra kiểm soát biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở. Quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế, giúp dân phát triển kinh tế; làm tốt công tác đối thoại với Nhân dân. Tăng cường trao đổi thông tin và điều tra phá án với biên phòng Trung Quốc để nắm những thông tin về vụ án, nạn nhân bị bán để làm thủ tục trao trả người về nước. Nhờ đó, Nhân dân tin tưởng, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiếp nhận 20 tin báo tố giác tội phạm mua bán người; trực tiếp phát hiện, xử lý 17 vụ, 18 đối tượng với 38 nạn nhân; giải cứu 5 người và 4 người được trao trả.

Để ngăn chặn, kiềm chế nạn mua bán người cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm giảm đến mức thấp nhất tội phạm mua bán người, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ph%C3%A1p-lu%E1%BA%ADt/quy%E1%BA%BFt-li%E1%BB%87t-ng%C4%83n-ch%E1%BA%B7n-n%E1%BA%A1n-mua-b%C3%A1n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di