Pháp luật và cuộc sống: Cảnh giác để tránh bẫy lừa xin việc

Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tổ chức phiên tòa xét xử lưu động, tuyên phạt bị cáo Đoàn Quang Dương, sinh năm 1946, trú tại thôn Am Thủy, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn 30 tháng tù về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản', quy định tại khoản 2, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, để có tiền tiêu xài, bị cáo Đoàn Quang Dương đã nói dối mình có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo tỉnh, hứa hẹn xin cho con gái ông PVL, sinh năm 1959, trú tại thôn Hòa Tiến, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn vào làm việc, trở thành công chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, nhưng ông PVL phải “chi phí” 100 triệu đồng. Do cả tin, ông PVL đã đưa cho Đoàn Quang Dương tổng cộng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, bị cáo Đoàn Quang Dương đã chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân. Khi biết mình bị lừa, ông PVL đã nhiều lần liên hệ đòi lại tiền nhưng Đoàn Quang Dương chỉ trả lại 30 triệu đồng...

 Bị cáo Đoàn Quang Dương.

Bị cáo Đoàn Quang Dương.

Cũng với thủ đoạn “nổ” có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin vào biên chế ngành công an và giáo dục, bị cáo Y Na, sinh năm 1988, trú tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã lừa đảo ông AS, sinh năm 1979, cùng trú tại huyện Sa Thầy để chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng với lời hứa xin việc cho con trai ông AS vào ngành công an. Tinh vi hơn, đối tượng Y Na còn làm giả quyết định phân công con trai ông AS đến công tác tại Công an huyện Sa Thầy... Với các tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy đã tuyên phạt bị cáo Y Na tổng cộng 7 năm tù giam.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn giả mạo người thân hoặc nói dối có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo để xin việc, “chạy biên chế”... những năm gần đây tuy đã giảm hơn trước nhưng qua hai vụ việc nêu trên cho thấy vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều nơi, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khiến không ít người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do một bộ phận không nhỏ người dân còn thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, mang nặng tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ”. Hiện nay, việc tuyển dụng công chức, viên chức cơ bản được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công khai, minh bạch thông qua những quy trình chặt chẽ với các hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Tất cả thông tin tuyển dụng như quy chế, chỉ tiêu, điều kiện, tiêu chuẩn... đều được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang web của các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyển dụng. Mọi công dân đều có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và tham dự khi đủ điều kiện và có nhu cầu. Việc trúng tuyển hay không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ, năng lực, phẩm chất của các ứng viên chứ không thể do “quan hệ” mà có được. Mặt khác, những năm qua, Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề cao sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và người dân, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm... từ đó đã giảm thiểu những hành vi tiêu cực nói chung, tiêu cực trong lĩnh vực tuyển dụng công chức, viên chức nói riêng. Bởi vậy, trước những lời ngon ngọt dụ dỗ chi tiền để xin việc, mỗi người cần cảnh giác kẻo rơi vào bẫy lừa!

TRUNG HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/phap-luat-va-cuoc-song-canh-giac-de-tranh-bay-lua-xin-viec-752767