Pháp luật và cuộc sống: Chi phí cho người làm chứng trong tố tụng hình sự
Khá lâu mới có dịp về quê, chiều muộn, tôi qua nhà thăm anh Tám và gia đình. Vừa bước vào cổng, tôi thấy quây quần bên ấm trà giữa sân nhà là chị Tám, chị Năm, chú Hai, cô Sáu... đang bàn tán về vấn đề gì đó rất rôm rả, còn anh Tám thì hình như vừa đi đâu về, trên mặt còn hiện vẻ bực dọc.
Tôi lên tiếng chào mọi người, chị Tám vội rót nước, còn anh Tám ôm chầm lấy tôi:
- Chú về sao không điện anh trước? Anh vừa lên Tòa án nhân dân tỉnh về đây!
- Có việc gì mà anh phải hầu tòa vậy?-Tôi cười đáp.
- Hầu tòa gì đâu chú! Họ mời anh tham gia phiên tòa hình sự với tư cách là người làm chứng, nhưng tại tòa, anh bị hỏi tới hỏi lui, trả lời khô cả cổ mà chẳng có một giọt nước để uống. Anh phải đi từ chiều hôm qua, tiền xe đi về, tiền lưu trú qua đêm, tiền ăn và phải bỏ một ngày công gần triệu đồng. Anh nghe nói là người làm chứng còn được trả chi phí phải không chú? Chú làm trong ngành luật, nhờ chú giải thích cho anh và bà con nghe pháp luật quy định việc này như thế nào, cho mọi người hiểu và anh đỡ ấm ức... -Anh Tám giãi bày.
Cùng anh ngồi xuống hiên nhà, tôi từ tốn giải thích: “Người làm chứng trong vụ án hình sự là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án triệu tập đến làm chứng và có trách nhiệm trả chi phí cho người làm chứng từ kinh phí hoạt động hằng năm của những cơ quan này.
Theo đó, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, chi phí cho người làm chứng do cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập bao gồm một hoặc một số chi phí như: Chi phí tiền lương, thù lao cho người làm chứng; chi phí đi lại (nếu có); chi phí lưu trú (nếu có), các chi phí khác phát sinh (nếu có) theo quy định của pháp luật và do Chính phủ quy định chi tiết. Ngoài ra, người làm chứng tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự được hưởng thù lao theo quy định đối với các trường hợp không hưởng tiền lương hoặc được hưởng bằng 100% mức lương cơ sở đối với các trường hợp có hưởng lương”.
Nghe tôi giải thích, anh Tám gật gù: “Pháp luật quy định rõ ràng như vậy, sao các cơ quan họ không áp dụng chú hè? Tháng trước, chú Mười nhà cạnh bên cũng được các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án huyện triệu tập tới triệu tập lui để làm chứng trong vụ án hình sự, đi lại cả mấy tháng trời, bỏ bê công việc đồng áng... mà họ cũng có trả chi phí người làm chứng cho chú ấy đâu!”.
Tôi đáp: “Muốn nhận được chi phí này, sau khi kết thúc làm việc, người làm chứng yêu cầu trực tiếp với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán hoặc thư ký tòa án về việc thanh toán chi phí. Trường hợp không được giải quyết thì người làm chứng làm văn bản đề nghị thanh toán kèm theo các chứng từ gửi cho thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng đã triệu tập người làm chứng để đề nghị thanh toán. Trường hợp đã đề nghị bằng văn bản mà vẫn không được thanh toán thì người làm chứng có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết anh ạ!”.
Nghe tôi giải thích, anh Tám lại ưu tư, mắt nhìn ra khoảng sân trống: “Pháp luật quy định cụ thể như vậy, nhưng cơ quan pháp luật và người tiến hành tố tụng là những người nắm bắt, hiểu rất rõ pháp luật, sao không chủ động áp dụng cho người dân nhờ mà lại làm ngơ để người dân phải khiếu nại, thậm chí khởi kiện?”.
Chào mọi người tôi ra về. Vừa đi, tôi vừa ngẫm lại lời của anh Tám. Thượng tôn pháp luật là điều vô cùng quan trọng trong xã hội, bởi vậy, quyền lợi dù nhỏ nhất của công dân vẫn cần phải được bảo đảm.
ĐÀO KHOA THỨC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.