Pháp luật và cuộc sống: Đòi nợ sai cách vào vòng lao lý
Giữa trưa, ông An chạy xe trên đường về nhà. Đúng đèn đỏ ông dừng lại thì có người phụ nữ bịt khẩu trang kín mít chạy ra chặn đầu xe rồi nhất quyết yêu cầu ông đi vào vỉa hè. Bỏ nón và khẩu trang ra, ông An mới nhận ra bà Đơn vốn là người quen trước có đi làm cùng đội xây dựng. Đứng dưới gốc cây, bà Đơn tức tốc đòi số tiền nợ 2 triệu đồng.
Bị đòi bất ngờ, ông An không lấy đâu ra số tiền đó liền phân bua cứ về nhà rồi hãy nói chuyện. Nghe vậy, bà Đơn không chịu. Hai người lời qua tiếng lại căng thẳng giữa trưa nắng. Một lúc sau, bà Đơn gọi điện cho con gái cùng với Tùng là bạn trai đến cùng “giải quyết”. Tại đây, bà Đơn đã lấy điện thoại của ông An và nhờ Tùng đèo ông về nhà trọ. Vì muốn dứt điểm chuyện lằng nhằng, ông An đành ngồi lên xe cùng về khu trọ. Khi xuống tới nơi, bà Đơn tiếp tục ép ông An phải trả tiền. Trong lúc đôi co, bà Đơn đã dùng mũ bảo hiểm đánh vào người ông An để đe dọa rồi bảo Tùng chạy chiếc xe của ông về nhà mình cất giữ.
Bất ngờ bị lấy điện thoại và xe, ông An đến trụ sở công an xã trình báo vụ việc. Tiếp nhận nguồn tin của công dân, công an xã đã lập biên bản và chuyển đến cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện để thụ lý, điều tra.
Sau khi có đầy đủ hồ sơ cáo trạng, tòa án nhân dân huyện đã tiến hành phiên tòa xét xử vụ án. Tại tòa, bà Đơn trình bày số tiền 2 triệu đồng là tiền công mà bà đi làm phụ hồ cho ông An cộng thêm ít tiền ông vay riêng nữa. Tuy nhiên, bà không có chứng cứ, giấy tờ gì để chứng minh số tiền ông An đã vay. Trong khi đó, ông An phủ nhận việc vay tiền cũng như nợ tiền công của bà Đơn. Nhiều lần bà đến đòi tiền, ông An đã đề nghị cả hai cùng đến cơ quan công an để giải quyết nhưng bà Đơn không chịu mà lại thường xuyên gây khó dễ ở nhiều nơi. Căng thẳng đỉnh điểm dẫn đến sự việc bà Đơn chặn đường ép buộc đưa xe, điện thoại và còn dùng vũ lực đánh người.
Qua nghiên cứu hồ sơ và lấy lời khai của các bên, hội đồng xét xử nhận định hành vi bị cáo Đơn dùng mũ bảo hiểm tấn công và chiếm giữ xe của bị hại đã cấu thành tội cướp tài sản. Chủ tọa phiên tòa tuyên án 8 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Đơn. Còn bị cáo Tùng là đồng phạm tội cướp tài sản bị tòa tuyên phạt 4 năm tù. Qua phân tích, hội đồng xét xử cho rằng khi xảy ra tranh chấp về tiền lẽ ra bị cáo Đơn phải trình báo chính quyền, cơ quan pháp luật để được bảo vệ quyền lợi và giải quyết. Đằng này bị cáo lại tấn công bị hại để lấy tài sản, đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Sự việc đáng buồn là khi tòa tuyên án, hai bị cáo mới nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Do thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật nên khi khúc mắc số tiền không lớn, các bị cáo đã không biết cách giải quyết đúng đắn, dẫn đến phải vào vòng lao lý.