PHÁP LUẬT VÀ THƯƠNG TRƯỜNG
Năm 2019, Việt Nam đang nằm trong tốp 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP toàn cầu. Đây là đánh giá của hãng tin Bloomberg, được điều chỉnh theo phương pháp ngang giá sức mua, dựa theo số liệu do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố tuần trước.
Công bố này thêm một lần nữa cho chúng ta cái nhìn khách quan về sự vươn lên mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. Chúng ta đang dần trở thành một trong những cỗ máy chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong báo cáo tại Quốc hội hôm qua (21-10), Chính phủ nhận định rằng, tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt hơn 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Thậm chí các dự báo quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn lạc quan hơn. Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là khá bền vững, ổn định, lạm phát thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chỉ dưới 3%, còn thấp hơn cả mục tiêu kiềm chế CPI tăng dưới 4% theo nghị quyết của Quốc hội. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam khá toàn diện chứ không chỉ phụ thuộc vào việc khởi công các dự án đầu tư công, hay tăng cho vay tín dụng.
Đáng lưu ý là Việt Nam đạt được thành tích này trong lúc tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy giảm, dự kiến xuống còn 3% trong năm nay, chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước. Khu vực nông nghiệp của chúng ta còn phải hứng chịu thiệt hại nặng nề của dịch tả lợn châu Phi và nắng nóng, hạn hán; giá nhiều nông sản giảm mạnh; thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó khăn.
Vui mừng vì kết quả trong thời gian qua, tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại trong nền kinh tế, làm cản bước tăng trưởng, mà trong đó nổi cộm là: Việc giải ngân vốn đầu tư công còn quá chậm; các dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) còn gặp nhiều khó khăn do thể chế và nhận thức xã hội; tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt kế hoạch nên nguồn thu ngân sách nhà nước, nguồn lực công cho phát triển sẽ có chỗ khó khăn; các luật còn nhiều chỗ vênh nhau gây vướng cho chính quyền địa phương và nhà đầu tư...
Muốn kinh tế tăng trưởng, xã hội phát triển, có thêm nhiều việc làm thì cần phải có thêm các dự án mới. Thế nhưng hiện nay, chính vì các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng có nhiều điểm khác nhau nên trong không ít trường hợp nhà đầu tư và chính quyền địa phương không biết phải làm thế nào. Ví dụ như, về cơ quan đầu mối chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư khu dân cư, khu đô thị thì theo Luật Đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng theo Luật Nhà ở là Sở Xây dựng. Hay là, theo Luật Bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án. Tuy nhiên, Luật Đầu tư chỉ yêu cầu báo cáo sơ bộ đánh giá tác động môi trường trong đề xuất dự án...
Mức độ thông tuệ, thuận lợi của luật pháp chính là yếu tố tạo nên sức hút của môi trường đầu tư của một quốc gia. Trong khi chuỗi sản xuất của kinh tế thế giới đang điều chỉnh mạnh, muốn chớp được cơ hội, muốn có thêm những nhà đầu tư lớn thì chúng ta phải chủ động rà soát, điều chỉnh những chỗ chưa hợp lý của luật pháp, thậm chí phải tạo ra nhiều đột phá trong thể chế để có thể vượt trội so với các nước khác trong khu vực.
Muốn vậy thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Quốc hội trong xây dựng thể chế, sự tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành và địa phương, sự đóng góp ý kiến của toàn xã hội, để công tác xây dựng pháp luật bám sát từ tuyến đầu của thương trường, tạo hiệu quả rõ rệt.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phap-luat-va-thuong-truong-597875