Pháp luật về bán khống và kinh nghiệm cho Việt Nam - Bài 2: Bán khống - chỉ một sản phẩm, nhưng nhiều thị trường

Nhiều thương vụ bán khống đã đi vào lịch sử tài chính thế giới. Tuy không phải là nguyên nhân chính gây ra các cú sốc kinh tế, nhưng những giao dịch bán khống có thể gián tiếp gây nên những khó khăn mà một số nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt.

Nhiều nước trên thế giới xem bán khống là giao dịch chính thức trên thị trường tài chính quốc gia. Việt Nam cũng có quy định về giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm, nhưng chưa thật sự đầy đủ.

Chính vì vậy, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về xây dựng và hoàn thiện chính sách đối với giao dịch bán khống.

Hoạt động giao dịch bán khống nhận được sự ưa chuộng của nhiều nhà đầu tư và nhà đầu cơ trên thị trường

Hoạt động giao dịch bán khống nhận được sự ưa chuộng của nhiều nhà đầu tư và nhà đầu cơ trên thị trường

Bài 2: Bán khống - chỉ một sản phẩm, nhưng nhiều thị trường

Nhiều thương vụ bán khống đã đi vào lịch sử tài chính thế giới. Tuy không phải là nguyên nhân chính gây ra các cú sốc kinh tế, nhưng những giao dịch bán khống có thể gián tiếp gây nên những khó khăn mà một số nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt.

Một số thương vụ bán khống hình thành trên thị trường chứng khoán

Không chỉ dừng lại như một phương thức giao dịch, bản chất của bán khống là cung cấp sản phẩm tài chính giúp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy dòng tiền trên nhiều thị trường khác nhau. Các giao dịch bán khống phổ biến, bao gồm: bán khống chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, quyền chọn) và bán khống các tài sản khác thông dụng như bất động sản, dự án, nhà ở, vàng, dầu khí và ngoại hối. Xin liệt kê một số thương vụ bán khống nổi tiếng hình thành trên thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, phải kể đến thương vụ của Jacob Little, biệt danh "Gấu vĩ đại của phố Wall" với những giao dịch bán khống cổ phiếu để thu về những khoản lợi nhuận kếch xù khi giá cổ phiếu giảm.

Thương vụ lớn nhất của Jacob Little xảy ra vào năm 1834 khi mua lại thành công The Morris Canal and Banking Company. Thời điểm đó, giá cổ phiếu được đẩy từ 10 USD vào tháng 12/1834, lên 185 USD trên mỗi cổ phiếu vào tháng 1/1835. Khi cổ phiếu chạm đáy, Jacob Little đã hiện thực hóa lợi nhuận bằng cách thu hồi các khoản nợ.

Thứ hai, là thương vụ bán khống trong sự sụp đổ của Enron. Đầu năm 2001, nhiều nhà đầu tư đã bán khống cổ phiếu Enron. Đến tháng 11/2001, khi vụ phá sản gần kề, thì số lượng các giao dịch chủ động bán khống cổ phiếu của Enron tăng vọt. Đó là những lần đặt cược giá giảm vào cổ phiếu của công ty năng lượng Enron khi hệ số giá trên thu nhập cao ngất ngưởng. Nhiều nhận định sau đó được đưa ra khi xem Enron là “quỹ phòng hộ trá hình" có hoạt động giao dịch rủi ro cao. Với những nhà đầu tư, giao dịch bán khống cũng được thực hiện để hạn chế và giảm thiểu rủi ro cho các vụ cá cược trong trung - dài hạn.

Tiêu biểu trong thương vụ này là Jim Chanos. Ngoài vai trò là nhà sáng lập công ty thị trường vốn Kynikos Associates, Jim Chanos còn là một trong những cố vấn đầu tư về bán khống thành công nhất mọi thời đại. Jim Chanos là người bán khống cổ phiếu Enron khi dự đoán về sự sụp đổ trong suốt năm 2001, trước khi Tập đoàn Enron nộp đơn phá sản vào năm 2001 và là một trong những vụ cá cược thành công nổi tiếng nhất lịch sử.

Thứ ba, là thương vụ bán khống trái phiếu của Charlie Ledley và Jamie Mai. Charlie Ledley là một trong số ít những nhà bán khống thành công về trái phiếu. Tại thời điểm đầu năm 2003, Charlie Ledley và Jamie Mai đồng sáng lập quỹ phòng hộ Cornwall Capital. Trong khi những người bán khống thông thường đặt cược vào các đợt thấp nhất của CDO, theo đó, CDO hay nghĩa vụ nợ thế chấp là một loại chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản (ABS). Trường hợp bên đi vay không thanh toán được các khoản vay thì những ABS sẽ trở thành tài sản thế chấp.

Các loại CDO khác bao gồm nghĩa vụ trái phiếu được thế chấp (CBO) và nghĩa vụ cho vay thế chấp (CLO). Ledley và Jamie Mai đã mua các hợp đồng hoán đổi nợ xấu bị định giá sai, thay vì mua cổ phiếu của Capital One Financial Corporation (NYSE: COF) khi nhận ra rằng, trái phiếu triple-A và trái phiếu triple-B đều dễ bị sụp đổ, nhưng đang được định giá hoán đổi khác nhau. Đây là một trong những thương vụ bán khống lớn nhất thị trường trong cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn trước khi xảy ra vụ sụp đổ kinh tế toàn cầu năm 2008.

Thứ tư, là thương vụ bán khống cổ phiếu của Công ty Dược phẩm quốc tế Valeant. Fahmi Quadir là nữ sáng lập của Quỹ Safkhet Capital chuyên giao dịch các hoạt động bán khống trên thị trường. Chỉ trong vòng chưa đến 8 tháng, từ tháng 7/2015 đến tháng 3/2016, Fahmi Quadir thực hiện bán khống cổ phiếu của Công ty Dược phẩm quốc tế Valeant (NYSE: VRX, hiện nay là Bausch Health). Khi đó, giá cổ phiếu VRX đã giảm từ 257 USD xuống còn 28 USD/cổ phiếu, để thu về khoản lợi nhuận lên đến 2,8 tỷ USD.

Bán khống tài sản khác

Bên cạnh bán khống trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều tài sản khác cũng được giao dịch thực hiện thông qua phương thức bán khống, tiêu biểu như: bán khống bất động sản, bán khống dự án, bán khống nhà ở, bán khống vàng, bán khống dầu khí và bán khống ngoại hối.

Steve Eisman là doanh nhân kiêm nhà đầu tư người Mỹ, kiếm được lợi nhuận bằng cách bán khống nghĩa vụ nợ được thế chấp trong thời kỳ của bong bóng nhà đất ở Mỹ giai đoạn năm 2007-2008. Tương tự Steve Eisman, John Paulson kiếm được khoảng 4 tỷ USD sau khi bán khống thị trường nhà đất Mỹ.

Lũy kế đến đầu năm 2023, Tập đoàn Tesla (NASDAQ: TSLA), Tập đoàn AT&T (NYSE: T), Tập đoàn Apple (NASDAQ: AAPL) và Công ty Amazon (NASDAQ: AMZN) là các cổ phiếu doanh nghiệp bị bán khống nhiều nhất trên thị trường chứng khoán thế giới.

Trường hợp đáng quan tâm nhất là George Soros, nhà đầu tư tiền tệ thành công nhất tại Vương quốc Anh. Khi Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh ra chính sách tăng lãi suất để nâng giá nội tệ đối với đồng bảng Anh, các nhà đầu tư như Soros bắt đầu bán khống đồng tiền này với tổng trị giá gần 10 tỷ USD. Sau đó, trước tình thế khó khăn của cuộc khủng hoảng tiền tệ Thứ tư đen tối năm 1992, Vương quốc Anh buộc phải rút khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái (ERM) của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC). George Soros đã kiếm được 1 tỷ USD từ thương vụ trên.

Trong lĩnh vực nhà ở, bán khống là giao dịch thực hiện khi giá bán nhà ở thấp hơn số tiền nợ. Đối với chủ sở hữu nhà ở, việc tịch thu tài sản để thế nợ gây thiệt hại lâu dài hơn cho lịch sử tín dụng. Thông qua quá trình bán khống, người đi vay sẽ trả dần các khoản tiền nợ thế chấp cho ngân hàng và các định chế tài chính khác.

Trong lĩnh vực bất động sản, quy trình và thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện bán khống bất động sản thường đơn giản hơn so với thu hồi tài sản. Chính vì thế mà tại nhiều quốc gia, các bên lựa chọn bán khống như một cách để thanh lý tài sản.

Một loại tài sản khác đang có sự phát triển không ngừng trong 10 năm trở lại đây là tiền điện tử. Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn chưa công nhận tiền điện tử là loại tiền tệ hợp pháp, do đó, tính dễ bị làm giá của các loại tiền điện tử trở thành cơ hội đầu tư bán khống. Bùng nổ mạnh mẽ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, cùng với các sản phẩm giao dịch truyền thống, hoạt động giao dịch bán khống nhận được sự "ưa chuộng" của nhiều nhà đầu tư và nhà đầu cơ trên thị trường.

Bên cạnh đó, theo lịch sử, giá vàng thế giới thường không tuân theo quy luật cung cầu vật chất. Biến động của giá vàng phụ thuộc nhiều vào các giao dịch trên thị trường tương lai, nơi các nhà quản lý quỹ có ảnh hưởng nhiều hơn đến giá cả nhờ các khoản đầu tư sử dụng hiệu ứng đòn bẩy cao. Tại nhiều thời điểm trước các cú sốc kinh tế, vàng là hàng hóa được lựa chọn bán khống từ các quỹ phòng hộ.

Ở đây, cú sốc kinh tế là các thông tin, sự kiện có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế một hoặc một số quốc gia, hay nghiêm trọng hơn là tác động đối với thị trường tài chính thế giới. Các cú sốc kinh tế có thể đến từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, dịch bệnh xuất hiện ở phạm vi toàn cầu hoặc trên một khu vực lãnh thổ rộng lớn, những thay đổi khó lường trong chính sách tiền tệ và sự mất giá nhanh chóng của đồng tiền quốc gia...

Quy định bán khống của Liên minh châu Âu (EU)

Pháp luật EU trong thiết lập các quy tắc minh bạch thị trường châu Âu về bán khống chủ yếu tại Quy định số 236/2012 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, ban hành ngày 14/3/2012, có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2012.

Về mức ngưỡng thông báo, ban đầu Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA) tạm thời sửa đổi ngưỡng thông báo các vị thế bán khống cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định bán khống từ 0,2% vốn cổ phần đã phát hành thành 0,1%. Sau đó, ngưỡng thông báo được đặt ở mức 0,2% trong quy định 236/2012 đã giảm xuống 0,1% sau khi quy định được ủy quyền của Ủy ban châu Âu số 2022/27 ban hành ngày 27/9/2021, có hiệu lực kể từ ngày 31/1/2022. Quyết định này được ban hành rộng khắp trên toàn hệ thống các quốc gia trực thuộc EU.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Nam

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phap-luat-ve-ban-khong-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam---bai-2-ban-khong---chi-mot-san-pham-nhung-nhieu-thi-truong-d189195.html