Phấp phỏng giải F1: Hà Nội thiệt hại bao nhiêu nếu hoãn giải?
Nếu chặng đua F1 tại Hà Nội ngày 5/4 diễn ra không có khán giả như chặng đua ở Bahrain thì thiệt hại sẽ rất lớn, không chỉ đối với đơn vị tổ chức.
Liên tiếp tin xấu cho F1
Mới đây, Ban tổ chức Bahrain Grand Prix đã đưa ra quyết định, chặng đua Bahrain sẽ diễn ra trong tình trạng không có khán giả, chỉ được phát trên truyền hình. Ban tổ chức tuyên bố ngừng bán vé vì những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Grand Prix Bahrain là chặng đua F1 thứ hai của mùa giải, diễn ra vào ngày 22/3 - hai tuần trước Vietnam Grand Prix.
Quyết định của Bahrain được đưa ra vài giờ sau khi Ý tuyên bố một số khu vực của họ ở miền Bắc đang bị phong tỏa, trong đó có Modena, nơi đặt trụ sở của đội đua danh tiếng Ferrari.
Gần đây nhất, giải đua xe công thức 1 tiếp tục nhận tin không vui ở Australia sau khi một số thành viên của đội đua Haas phải cách ly do nghi ngờ nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19). Trước đó, giải đua xe F1 đã phải hoãn chặng đua ở Trung Quốc. Những diễn biến trên đang gây lo ngại cho chặng đua tại Hà Nội (Việt Nam) diễn ra vào ngày 5/4.
Thiệt hại lớn
Nói về giải đua F1 sắp diễn ra vào đầu tháng 4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đến thời điểm này, Ban tổ chức đã nhận được đăng ký của 100.000 du khách quốc tế sang Việt Nam theo dõi F1.
Ngoài ra, Ban tổ chức dự tính có khoảng 30.000 - 40.000 khán giả trong nước đến theo dõi sự kiện này. Nếu kế hoạch tổ chức F1 không có người xem được thông qua, chỉ riêng phí phục vụ du khách quốc tế (bao gồm phí nhập cảnh, phí an ninh soi chiếu với số tiền khoảng 1 triệu đồng/người), sẽ mất ít nhất khoảng 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất thuộc về Công ty Grand Prix Việt Nam, đây là đơn vị đầu mối chi trả cho F1, UBND thành phố Hà Nội là đơn vị đăng cai.
Doanh nghiệp này là đầu mối tổ chức độc quyền sự kiện với các nguồn thu từ giải đua F1: Bán vé, quảng cáo, bán sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp, bản quyền truyền hình… Trước tiên là các khoản thu từ bán vé, đơn vị tổ chức đã bán gần hết số vé doanh nghiệp - loại vé 5 sao với 3 hạng mức kim cương, bạch kim và vàng, dao động từ 49 triệu đến hơn 96 triệu đồng/vé. Những dịch vụ “ăn theo” giải đua cũng không có doanh thu.
Đối với các cơ sở lưu trú 3 - 5 sao đang kỳ vọng sẽ khởi sắc trong kỳ dịch thất bát cũng thấp thỏm không yên. Theo khảo sát thời điểm cuối tháng 2, khách sạn 3 - 5 sao xung quanh khu vực đường đua như Crowne Plaza West Hanoi, JW Marriott, Grand Plaza… đã nhận hợp đồng đặt phòng từ các đội đua. Một số khách sạn cao cấp quanh khu vực này đã được book gần kín trong dịp tổ chức giải đua F1.
Theo một chuyên gia du lịch, giải đua F1 là cơ hội lớn để Việt Nam tạo dựng các sản phẩm du lịch cao cấp mới để thu hút du khách quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đang bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Đây là bàn đạp cho những sự kiện văn hóa, các sản phẩm du lịch tiếp nối vào các năm tiếp theo. “Ngành du lịch Hà Nội đã xác định giải đua là một trong những trọng tâm của ngành năm 2020, là cơ hội vàng cho ngành. Nếu có sự thay đổi thì rất đáng tiếc”, chuyên gia này cho hay.