Phập phòng trước hiện tượng gia tăng bệnh ung thư

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Trong số này có gần 1.500 ca đang thực hiện hóa trị định kỳ và 30 trường hợp khác phải thực hiện xạ trị, gần 200 trường hợp đang trong giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ (giai đoạn cuối).

Bệnh nhân K đang được điều trị tại Khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.

Bệnh nhân K đang được điều trị tại Khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.

Có thể nói, ung thư trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang ngày càng gia tăng đến mức đáng báo động, điều đáng nói là trên 50% số ca mắc ung thư khi được phát hiện đều đã ở vào giai đoạn nặng. Nếu như trước đây khi nói đến căn bệnh ung thư, thường người ta sẽ nghĩ đây là bệnh của nhóm người trên 50 tuổi, nhưng hiện nay căn bệnh này có xu hướng ngày càng trẻ hóa, phần lớn người mắc dưới 40 tuổi.

Theo Tổ chức y tế thế giới, Việt Nam hiện là nước thứ 91/185 quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư mới hằng năm và là nước đứng 50/185 quốc gia về tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư gây ra. Tổ chức Ung thư toàn cầu thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam lại phát hiện thêm 180 ngàn ca ung thư mới và có tới 122 ngàn ca tử vong vì căn bệnh quái ác này. Rõ ràng mối nguy hiểm của bệnh ung thư rất lớn, nó tước đi cơ hội sống, sức lao động đối với lực lượng lao động trẻ, gây tâm lý hoang mang, lo sợ không những cho người bệnh mà còn đối với người thân của họ. Ngoài ra, nó còn là gánh nặng tài chính có thể sẽ làm khánh kiệt nguồn lực kinh tế của gia đình. Mức chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư từ 176 triệu đồng/năm trở lên, trong đó riêng người bệnh phải tự chi trả lên tới 70%. Các bệnh ung thư thường gặp hiện nay trong cộng đồng là: ung thư phổi, gan, dạ dày, tuyến vú, đại tràng…

Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhã, Phó trưởng Khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau: “Ngày nay khi nền y học hiện đại đã phát triển nhanh, nhiều loại phương tiện có thể giúp cho việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ung khi người dân thực hiện việc tầm soát, khám sàng lọc. Ngoài ra, nhờ có các phương pháp điều trị tiến bộ, bệnh nhân có thời gian sống lâu hơn sau khi phát hiện mắc bệnh, thời gian và lượt tái khám cũng theo đó tăng lên, nên tỷ lệ ung thư thống kê được cũng nhiều hơn trước đây”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhã, Phó trưởng Khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, thăm khám cho một bệnh nhân vừa được phẫu thuật khối u, do mắc chứng K dạ dày.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhã, Phó trưởng Khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, thăm khám cho một bệnh nhân vừa được phẫu thuật khối u, do mắc chứng K dạ dày.

Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, ung thư là một căn bệnh rất đặc thù, có thể phòng ngừa và chữa trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Thực chất, có tới 80% nguyên nhân gây nên ung thư là do môi trường sống, còn lại là do các yếu tố khác như: di truyền, nội tiết… Dù đây không phải là căn bệnh truyền nhiễm, nhưng lại có tỷ lệ tử vong khá cao, đứng hàng thứ hai ở nước ta hiện nay, chỉ sau bệnh tim mạch.

Bác sĩ Khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, kiểm tra chỉ số máy đo xạ trị cho bệnh nhân đang điều trị tại khoa.

Bác sĩ Khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, kiểm tra chỉ số máy đo xạ trị cho bệnh nhân đang điều trị tại khoa.

Ung thư có thể do nhiều yếu tố gây nên, trong đó, yếu tố hàng đầu là thời gian tiếp xúc với nguồn gây bệnh càng dài, thì nguy cơ ung thư càng cao. Ví dụ như do môi trường sống bị ô nhiễm, do thói quen hút thuốc lá hoặc thường xuyên sử dụng rượu bia, do sử dụng các loại thực phẩm có chứa hóa chất gây hại trong thời gian dài…

Ông T.T.N, 58 tuổi, ngụ ấp Bình Minh II, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, mắc chứng ung thư thực quản, di căn xương do có thói quen nghiện rượu trong thời gian dài. Ông chia sẻ: “Lúc còn trẻ tôi ỷ lại vào sức khỏe của mình, mỗi khi gặp bạn bè thường hay tổ chức “chén chú, chén anh” liên tục trong nhiều ngày, ăn uống không điều độ, rồi ăn nhiều thức ăn cay, nóng, bây giờ khi đã bị bệnh ung thư, được các bác sĩ chỉ ra mới biết”.

Để phòng tránh bệnh ung thư, giái pháp tốt nhất vẫn là nên duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể chất, loại bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế việc uống rượu bia, duy trì các chế độ dinh dưỡng an toàn, hợp lý, thường xuyên thăm khám sàng lọc sức khỏe định kỳ. Đồng thời, nên tiêm vắc xin phòng ngừa một số loại bệnh nhiễm trùng, vi rút…

Phương Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phap-phong-truoc-hien-tuong-gia-tang-benh-ung-thu-a34543.html