Phập phồng tỷ giá sau khi FED tăng lãi suất vào năm tới
Sau một thời kỳ ổn định, gần đây tỷ giá USD/VND bắt đầu nhấp nhổm với biên độ lớn. Tỷ giá năm 2022 như thế nào không thể không liên quan tới việc FED điều chỉnh lãi suất...
Thị trường đang dõi mắt về động thái tăng lãi suất của FED vào năm sau
Đầu tháng 11/2021, giá USD liên ngân hàng bắt đầu giảm và kéo dài khoảng 10 phiên giao dịch. Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm giá mua vào USD xuống mức 22.650 VND, tương đương giảm 100 VND, đây cũng là lần giảm thứ 3 trong năm nay.
Ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12, tỷ giá USD/VND chứng kiến bước tăng tới 100-200 VND trên thị trường liên ngân hàng và trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại.
Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết, các ngân hàng đẩy mạnh bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn đầu tháng 11, với khối lượng ước đạt trên 2 tỷ USD. “Tuy nhiên, bối cảnh nguồn cung ngoại tệ không quá dư dả, cộng với nhu cầu gia tăng, vô hình trung khiến tâm lý lo ngại gia tăng khi áp lực tăng lên tỷ giá mạnh hơn kỳ vọng”, vị này nói.
Ngay sau đó, khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo hạ giá bán ra tại Sở Giao dịch xuống mức 23.150 VND, tỷ giá USD/VND nhanh chóng bình ổn.
Thế nhưng, thời gian tỷ giá hạ nhiệt diễn ra khá chóng vánh, đà tăng lại xuất hiện. Chỉ trong vài phiên giao dịch, giá USD liên ngân hàng từ mức 22.950 VND (9/12) lên 23.030 VND (15/12), tương đương tăng 80 VND. Cũng trong quãng thời gian này, Kho bạc Nhà nước phát đi thông tin muốn 350 triệu USD từ các ngân hàng.
Từ đó đến nay, tỷ giá quay về trạng thái giảm. Chốt phiên ngày 21/12, giá USD liên ngân hàng còn 22.935 VND.
Nhìn chung, tỷ giá vẫn đang ở mức tương đối cao so với giai đoạn đầu năm, khi trạng thái ngoại tệ trong hệ thống vẫn đang ở mức âm trong bối cảnh nhu cầu thanh toán cuối năm tăng mạnh.
Diễn biến tỷ giá USD/VND thời gian vừa qua
Trong báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam mới đây, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) cho rằng, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam được duy trì ổn định trong tháng 11, ở mức 2,1%, chủ yếu do chi phí nhiên liệu tăng, trong khi các thành phần giá khác hoạt động tương đối tốt, so với đầu năm, lạm phát trung bình ở mức 1,8%, tương đương khoảng một nửa so với 3,6% trong cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, lạm phát vào năm 2021 đang trên đà tăng vừa phải 1,9% so với 3,2% năm 2020 và sau đó tăng lên 3,2% vào năm 2022.
“Với bối cảnh lạm phát tương đối lành tính và triển vọng không chắc chắn do biến thể Omicron mới xuất hiện của dịch Covid-19 ngay khi Việt Nam lấy lại vị thế sau làn sóng lây nhiễm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ giữ ổn định chính sách của mình để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi”, UOB nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn cho rằng, mặc dù Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã không đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ trong báo cáo mới nhất vào tháng 12. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đáp ứng tất cả ba tiêu chí cho tên gọi này. Do đó, các Cơ quan Quản lý Việt Nam sẽ có các giải pháp xử lý tránh việc các biến động gần đây được nhìn nhận là “giảm giá đồng tiền tạo lợi thế cạnh tranh”.
Nhìn chung, UOB kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục tăng cùng với xu hướng của các cặp tỷ giá giữa USD và các đồng tiền khác tại Châu Á khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới.
Cụ thể, dự báo tỷ giá USD/VND cập nhật của UOB là 23.100 trong quý 1/2022; 23.200 trong quý 2/2022; 23.300 trong quý 3/2022 và 23.400 trong quý 4/2022.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phap-phong-ty-gia-sau-khi-fed-tang-lai-suat-vao-nam-toi.htm