Pháp sẵn sàng đối thoại tháo ngòi căng thẳng nếu Anh tôn trọng cam kết

Ngày 28/10, căng thẳng ngoại giao giữa hai nước đồng minh Anh-Pháp đón nhận tín hiệu hy vọng khi Paris ngỏ ý sẵn sàng đối thoại để tháo gỡ những tranh cãi xung quanh vấn đề đánh bắt cá nếu London tuân thủ cam kết.

Một tàu đánh ca Pháp ở ngoài khơi cảng Saint Helier trên đảo Jersey của Anh. Ảnh: AFP

Một tàu đánh ca Pháp ở ngoài khơi cảng Saint Helier trên đảo Jersey của Anh. Ảnh: AFP

Thủ tướng Pháp Jean Castex tuyên bố Paris sẵn sàng đàm phán với Anh để giải quyết canh cãi đang ngày càng nghiêm trọng hiện nay liên quan tới quyền đánh bắt cá, nếu London tuân thủ các nghĩa vụ trong các thỏa thuận hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).

Pháp từng dọ sẽ cắt đứt thương mại với Anh từ tuần tới nếu các tàu đánh cá của nước này không được cấp phép tiếp cận các vùng biển của Anh, nhất là tại những khu vực xung quanh đảo Jersey. Tuy nhiên, phát biểu khi tới thăm Brittany, Thủ tướng Castex nói rằng Pháp “luôn để ngỏ khả năng đàm phán, dù sáng, trưa hay tối miễn là phía Anh tôn trọng các cam kết của họ”.

Cùng ngày, Chính phủ Anh đã hối thúc Pháp xoa dịu cuộc tranh cãi ngày càng tồi tệ về quyền đánh bắt cá hậu Brexit, sau khi Paris đe dọa sẽ trả đũa mạnh tay. Bộ trưởng Môi trường, Lương thực và Nông thôn Anh George Eustice đã thông báo với quốc hội rằng ông đã có cuộc thảo luận với Ủy viên châu Âu phụ trách Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp Virginijus Sinkevicius và nhấn mạnh: "Điều quan trọng là chúng ta phải bình tĩnh, giảm leo thang tranh cãi".

Chính phủ Anh cũng cho rằng việc Pháp bắt giữ một tàu đánh cá của Anh và đưa ra cảnh báo đối với tàu thứ hai là "đáng thất vọng và không cân xứng" trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan quyền khai thác thủy-hải sản hậu Brexit. Tuyên bố nêu rõ phản ứng này là "đáng thất vọng và không cân xứng, và không phải là những gì chúng tôi mong đợi từ một đồng minh và đối tác thân thiết".

Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho hay các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ tiếp tục được triển khai ở ở cấp Ủy ban của Liên minh châu Âu và các đối tác trong chính quyền tại Pháp.

Pháp bắt một tàu đánh cá của Anh. Ảnh: Sky News

Pháp bắt một tàu đánh cá của Anh. Ảnh: Sky News

Ngày 28/10, Bộ Hàng hải Pháp đã bắt giữ một tàu đánh cá bằng lưới và cảnh cáo một tàu khác của Anh khi đang hoạt động tại vùng biển ngoài khơi cảng Le Havre thuộc Pháp. Theo Đài Sputnik và trang Sky News, cơ quan chức năng Pháp đã bắt giữ một tàu đánh cá bằng lưới và cảnh cáo một tàu khác của Anh vì hành vi phía Paris cáo buộc là đánh bắt cá tại khu vực không được phép. Được biết, tàu đánh cá bị bắt đã được đưa về bến cảng của Pháp. Thuyền trưởng tàu cá này phải đối mặt hình phạt pháp lý cũng như bị tịch thu toàn bộ số hải sản đánh bắt được.

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết Paris mới chỉ cấp phép một nửa số giấy phép cần cấp cho các tàu cá nước này hoạt động tại vùng biển của Anh theo hạn ngạch trong thỏa thuận về đánh bắt cá mà London đã ký với EU hồi tháng 12/2020. Ông Attal cho biết Pháp có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt như tăng cường kiểm tra hải quan và cấm các tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Anh cập cảng Pháp.

Về phía London, người phát ngôn Chính phủ Anh khẳng định những biện pháp do Pháp đe dọa không phù hợp với Hiệp định thương mại và hợp tác (TCA) cũng như luật pháp quốc tế nói chung, đồng thời cảnh báo Anh sẽ đáp trả thích hợp nếu Pháp thực thi các biện pháp trên.

Toàn cảnh cảng Brixham, miền Nam Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn cảnh cảng Brixham, miền Nam Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt tranh cãi giữa Pháp và Anh khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước thành viên EU này rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Thỏa thuận hậu Brexit đạt được giữa Anh và EU có điều khoản quy định ngư dân các nước EU được tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh với điều kiện họ phải có giấy phép, được cấp nếu họ có thể chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này từ trước đó...

Tuy nhiên, Pháp và Anh không đạt được nhất trí về vấn đề này. Tại các khu vực đánh bắt vẫn còn tranh chấp (cách bờ biển Anh và quần đảo Eo biển Manche 9,6-19 km), Anh và hòn đảo tự trị Jersey do London quản lý đã cấp tổng cộng hơn 200 giấy phép còn hạn, trong khi Pháp yêu cầu cấp 244 giấy phép.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phap-san-sang-doi-thoai-thao-ngoi-cang-thang-neu-anh-ton-trong-cam-ket-20211028190638211.htm