Pháp thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19

Bộ Nghiên cứu Pháp cho biết nước này sẽ bắt đầu chiến dịch thử nghiệm lâm sàng 3 loại thuốc trị bệnh COVID-19 mang tên Discovery vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau.

Tổng cộng sẽ có 800 bệnh nhân Pháp bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tham gia chương trình thử nghiệm này. Họ được chia thành 4 nhóm.

Trong đó, nhóm 1 không dùng thuốc. Nhóm 2 dùng thuốc remdesivir do phòng thí nghiệm Gilead phát triển để điều trị bệnh Ebola. Nhóm 3 dùng kết hợp 3 loại thuốc lopinavir, ritonavir và kaletra do phòng thí nghiệm AbbVie phát triển để chữa bệnh HIV/AIDS. Nhóm 4 thử nghiệm hỗn hợp thuốc kaletra - interferon beta của phòng thí nghiệm Merck.

Bên cạnh đó, Pháp cũng sẽ triển khai 20 dự án nghiên cứu khoa học, trong đó có 7 dự án liên quan đến nghiên cứu cơ bản; 6 dự án liên quan đến chẩn đoán, lâm sàng và điều trị; 3 dự án liên quan đến dịch tễ học; 4 dự án còn lại chuyên về khía cạnh khoa học nhân văn và xã hội như việc truyền bá các tin đồn thất thiệt hay khả năng chấp nhận các biện pháp ngăn cấm tự do cá nhân trong mùa dịch.

Giới chức y tế Pháp cũng đang rất mong đợi vào kết quả của một dự án về xét nghiệm huyết thanh để bổ sung cho cách thức xét nghiệm truyền thống bằng mẫu bệnh phẩm lấy qua đường mũi họng như hiện nay. Thông thường, cách truyền thống chỉ có thể cho biết bệnh nhân có mang virus hay không tại thời điểm lấy mẫu.

Tuy nhiên, xét nghiệm huyết thanh sẽ cho phép biết cá nhân đó đã từng bị nhiễm bệnh trong quá khứ hay không. Kết hợp giữa kết quả xét nghiệm huyết thanh với cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Máu quốc gia, các nhà nghiên cứu sẽ có thể nắm được sự xâm nhập thực sự của virus vào cơ thể người và nhờ đó sẽ xác định được chính xác hơn tỷ lệ tử vong của bệnh dịch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong một diễn biến liên quan, tối 11/3 (giờ Việt Nam), từ Thụy Sĩ, các lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch bệnh hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) là đại dịch toàn cầu.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan nghiêm trọng và đáng báo động của dịch bệnh cũng như mức độ đáng báo động của việc không hành động”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trước khi tuyên bố COVID-19 là đại dịch, theo đài CNBC.

Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đã khiến cho hơn 100.000 người khắp thế giới bị lây nhiễm, trong đó hơn 80.000 người ở Trung Quốc.

Tổng Giám đốc WHO cũng cho rằng một số nước đã chứng tỏ khả năng kiểm soát và vượt khó trong đợt bùng phát COVID-19 nhưng cũng trách một số lãnh đạo quốc tế vì không hành động nhanh và mạnh trong việc ngăn dịch lây lan.

Trong khi đó, ông Mike Ryan, Giám đốc Điều hành WHO, nhấn mạnh mọi quốc gia cần phải công khai chiến lược của họ ngay bây giờ. Ông cũng cho rằng các quan chức y tế phải nhìn nhận chữ “đại dịch” một cách rất nghiêm túc.

Trong bối cảnh đó, một số nước châu Âu đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, chẳng hạn kiểm tra thân nhiệt trước các cuộc họp của chính phủ và quốc hội. Tại Nga, Điện Kremlin đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt tại các sự kiện có Tổng thống Vladimir Putin, theo Sputnik. Còn ở Philippines, đơn vị chịu trách nhiệm cho sự an toàn của Tổng thống Philippines đã áp dụng biện pháp cấm chạm vào người nhà lãnh đạo Rodrigo Duterte, theo Reuters. Ngoài ra, Liên minh châu Âu bắt đầu tổ chức hội nghị từ xa (telecon) và hủy bỏ các sự kiện có thể tập trung nhiều quan chức để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.

Vũ Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/phap-thu-nghiem-thuoc-dieu-tri-covid19/389720.vgp