Pháp từ chối yêu cầu rút Đại sứ của chính quyền quân sự tại Niger
Quan hệ Pháp – Niger tiếp tục leo thang căng thẳng khi chính quyền đảo chính quân sự tại Niger ngày 25/8 đã đề nghị Đại sứ Pháp tại Niger rời khỏi quốc gia này trong vòng 48 giờ nhưng đã bị Bộ Ngoại giao Pháp từ chối với lý do không phải là chính phủ hợp hiến.
Trong thông cáo phát đi ngày 25/8, chính quyền quân sự tại Niger cho biết yêu cầu trục xuất xuất phát từ việc Đại sứ Pháp tại Niger - ông Sylvain Itte đã từ chối lời mời tham gia một cuộc đối thoại được tổ chức cùng ngày cũng như việc chính phủ Pháp tiếp tục có những động thái đi ngược lại các lợi ích của Niger.
Thông cáo cũng nêu rõ đại diện ngoại giao của Pháp sẽ không còn được chào đón và phải rời khỏi Niger trong vòng 48 giờ tới. Cùng với Pháp, chính quyền quân sự tại Niger hôm qua cũng đã phát các thông cáo trục xuất đối với Đại sứ Đức và Đại sứ Nigeria tại Niger với các lý do tương tự.
Phản ứng trước động thái, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đã nhận được yêu cầu từ phía chính quyền quân sự Niger và đã bác bỏ đề nghị này. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, Đại sứ Pháp tại Niger hiện nay đã được chấp nhận bởi chính phủ dân chủ do người dân Niger bầu ra và chính quyền quân sự hiện nay tại Niger không có đủ tính hợp hiến để đưa ra yêu cầu trục xuất. Động thái trên nằm trong chuỗi sự kiện gây căng thẳng trong quan hệ giữa Pháp với chính quyền quân sự tại Niger kể từ sau cuộc đảo chính cách đây một tháng (26/7).
Lực lượng đảo chính tại Niger liên tiếp cáo buộc Pháp muốn can thiệp quân sự vào Niger để đưa Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trở lại, đồng thời cũng cho rằng Pháp đứng sau hậu thuẫn và chi phối Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây phi (ECOWAS) vốn bao gồm các nước từng là quốc thuộc địa cũ của Pháp để gây sức ép.
Trước đó, chính quyền quân sự tại Niger cũng đã cáo buộc Pháp vi phạm không phận Niger, yêu cầu hủy bỏ các thỏa thuận quân sự Pháp - Niger ký trước đây nhưng đã bị Paris bác bỏ. Pháp hiện vẫn đang duy trì khoảng 1.500 tại Niger với lý do hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống khủng bố hồi giáo thánh chiến.