Pháp tu nào phù hợp cho Phật tử mới quy y?
GNO - Tôi là Phật tử mới quy y nên rất ngỡ ngàng với các sinh hoạt tu học, cách xưng hô với đạo hữu cũng như quý Tăng/Ni trong chùa. Vì không có nhiều thời gian nên tôi chỉ tham dự khóa tu Bát quan trai vào ngày Chủ nhật rồi về. Ở nhà, vì không có phòng thờ riêng nên cũng không đọc kinh và tọa thiền được... Mong quý Báo chỉ bày thêm để tôi có kinh nghiệm tu tập.
(THANH THÚY, thanhthuy.ho...@yahoo.com)
Bạn Thanh Thúy thân mến!
Nếp sống thiền môn có rất nhiều khác biệt so với đời sống thế tục. Tất cả công việc từ công phu, học tập cho đến chấp tác đều theo thời khóa, nôm na là “giờ nào việc nấy” với tinh thần tự giác, ý thức kỷ luật cao. Nét đặc trưng của chùa là thanh tịnh nên hầu như ai cũng “đi nhẹ, nói khẽ”. Ở chùa thường không gọi tên đời mà dùng tên đạo (pháp danh), Phật tử thì gọi nhau là đạo hữu (bạn đạo), người xuất gia thì gọi nhau theo thứ bậc thầy trò huynh đệ. Đa phần Phật tử lúc mới đi chùa hay tham dự khóa tu đều lạ lẫm với nếp sống thiền môn nhưng lâu dần sẽ quen và cảm thấy thân thương, quý kính mọi người.
Bạn đã tranh thủ thời gian cuối tuần tham dự khóa tu Bát quan trai là điều tốt. Ngoài khóa tu Bát quan trai, bạn cần thực hành ăn chay (mỗi tháng ít nhất 2 ngày) và đến chùa tham gia khóa lễ sám hối-cầu an vào những ngày 14, 15 và 30, 1 âm lịch hàng tháng. Những lúc đến chùa, bạn nên tìm cách thỉnh ý các vị xuất gia hoặc đạo hữu có kinh nghiệm để biết thêm cách xưng hô, phép tắc ứng xử và lễ nghi cần thiết khác.
Nhà bạn chưa có phòng thờ riêng nên không thể tụng niệm nhưng vẫn đọc kinh (sách) được. Đọc kinh sách nhà Phật, tư duy và chiêm nghiệm giáo pháp cũng là một cách tu. Luôn nhớ mình là Phật tử đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và vâng giữ các giới của người Phật tử tại gia mà mình đã phát nguyện thọ trì. Tu tập chính là học tập, tư duy và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày. Hạnh tu của người Phật tử có rất nhiều nhưng tổng quát vẫn là:
“Không làm các điều ác
Chuyên làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch”.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/phap-tu-nao-phu-hop-cho-phat-tu-moi-quy-y-post55872.html