Pháp và Đức thúc đẩy việc thắt chặt an ninh biên giới sau các vụ tấn công
Pháp và Đức đã thúc đẩy việc thắt chặt biên giới của Liên minh châu Âu để ngăn chặn điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi là 'mối đe dọa khủng bố' sau các vụ tấn công Hồi giáo ở Paris, Nice và Vienna.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Các cuộc tấn công này đã khiến các nhà lãnh đạo EU phải đánh giá lại mức độ ưu tiên của tôn giáo cực đoan, điều đã bị xem nhẹ từ năm 2017 sau thất bại của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Dưới áp lực tăng cường an ninh và trấn an cử tri sau các cuộc tấn công mới nhất, ông Macron và Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cho biết khu vực Schengen đang gặp khó khăn về việc đi lại không kiểm soát qua các biên giới mở và cần được khắc phục khẩn cấp.
Điển hình, các vụ tấn công ở Nice và Vienna trong những tuần qua được thực hiện bởi những hung thủ đã tự do di chuyển bên trong khu vực Schengen.
“Mối đe dọa khủng bố đang đè nặng lên toàn bộ châu Âu. Chúng ta phải có biện pháp đáp trả”, ông Macron nói sau khi thảo luận vấn đề với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và các quan chức hàng đầu khác ở Brussels.
"Việc cải cách khu vực Schengen là thúc đẩy tự do di chuyển trong an toàn", ông nói.
Bà Merkel cũng ủng hộ điều này. Bà nói rằng: “Điều tối quan trọng là chúng ta phải biết ai vào và ai rời khỏi khu vực Schengen".
Những lo ngại về an ninh quốc gia, tình trạng di cư hỗn loạn vào EU từ Trung Đông và Châu Phi trong những năm gần đây và gần đây nhất là đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự xuất hiện trở lại của một số kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen.
Điều này làm xói mòn những gì đã được ca ngợi như một thành tựu quan trọng trong hội nhập sau Thế chiến II của Châu Âu.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng kêu gọi một kế hoạch phối hợp tốt hơn để đối phó với các chiến binh nước ngoài trong khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh con đường giải quyết chủ nghĩa cực đoan thông qua việc siết chặt các khoản viện trợ nước ngoài.
Các ý tưởng khác bao gồm áp đặt các yêu cầu khắt khe hơn đối với các nền tảng trực tuyến để chống lại chủ nghĩa cực đoan; thành lập một viện đặc biệt ở châu Âu để đào tạo các lãnh đạo Hồi giáo; trục xuất một cách hiệu quả những người không có yêu cầu tị nạn ở châu Âu cũng như những tội phạm và những kẻ bị tình nghi theo trường phái cực đoan.
Các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của các nước cũng đã xem xét một phương án triển khai các biện pháp đáp an ninh chung.
Các Bộ trưởng cũng quyết định tăng cường khả năng của từng nước trong việc tạm thời đình chỉ việc di chuyển tự do qua biên giới Schengen trong thời gian có cảnh báo an ninh. Pháp đã áp dụng biện pháp trên kể từ sau vụ tấn công ở Paris vào năm 2015.
Quyết định chính thức về các biện pháp sẽ được thống nhất và đưa ra trong cuộc họp vào tháng 12 tới đây.