Pháp và Trung Quốc đang tìm lối thoát cho xung đột ở Ukraine?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giao cho cố vấn chính sách đối ngoại Emmanuel Bonne làm việc với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị để thiết lập khung làm việc nhằm tạo nền tảng cơ bản cho các cuộc đàm phán về xung đột ở Ukraine trong tương lai, các nguồn tin thân cận với kế hoạch cho hay.
Theo đó, chiến lược của Pháp sẽ tìm cách để những cuộc trao đổi giữa Nga và Ukraine diễn ra sớm nhất là vào mùa hè này nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Trong chuyến thăm gần đây tới Trung Quốc, Tổng thống Pháp đã không thể đạt được mục tiêu thuyết phục ông Tập Cận Bình trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi hai bên vẫn chưa gặp gỡ nhau kể từ khi xung đột nổ ra cách đây hơn 1 năm. Ông Macron cũng khiến các đồng minh không hài lòng vào năm ngoái khi cho rằng phương Tây không nên "làm bẽ mặt Nga".
Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Macron có nhận được sự ủng hộ từ Kiev và đồng minh về kế hoạch của mình hay không, những người từng bác bỏ các đề xuất ngừng bắn với lý do chúng sẽ cho phép Nga tăng cường kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Ukraine. Nhiều quốc gia cũng bày tỏ thái độ hoài nghi về việc Trung Quốc có thể là một bên trung gian hòa giải sau khi Bắc Kinh khẳng định tình hữu nghị "không giới hạn" với Nga. Bắc Kinh và Moscow cũng nhiều lần cam kết sẽ tăng cường quan hệ, trong đó có cuộc điện đàm ngày 17/4 thúc đẩy sự hợp tác giữa hai quân đội.
Một quan chức thuộc văn phòng Tổng thống Macron đã xác nhận kế hoạch được giao cho cố vấn Bonne về việc trao đổi với ông Vương Nghị, song không tiết lộ thêm thông tin chi tiết. Người này cho biết, các đồng minh của Pháp đã được thông báo về sáng kiến trên.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cơ quan này chưa biết về thông tin trên và nhận định "rất khó để khẳng định tính xác thực của nó".
Bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai đều sẽ phụ thuộc vào một số điều kiện, trong đó có cuộc phản công mùa xuân sắp diễn ra của Ukraine.
Một số quan chức châu Âu lo ngại về những kỳ vọng quá cao đang đặt vào cuộc phản công của Ukraine, vốn có thể không đủ mang tính quyết định để Kiev giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát.
Một mục tiêu thực tế hơn là Ukraine sẽ nỗ lực giành quyền kiểm soát 30km lãnh thổ ở phía Nam. Việc giành được khu vực này sẽ đặt các tuyến hậu cần của Nga nằm trong tầm hoạt động của pháo binh Ukraine và tạo điều kiện để Kiev tiến công sâu hơn vào năm 2024.
Tổng thống Macron trước đó cho biết ông coi Trung Quốc đóng vai trò quan trọng và nhờ mối quan hệ với Nga, Bắc Kinh có thể thuyết phục Moscow nghĩ lại. Dù vậy, cho tới nay, Trung Quốc không có dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng gây sức ép với Nga về việc rút quân.
Kiev đã nhiều lần khẳng định sẽ không nhượng bộ về lãnh thổ và một vài nước phương Tây cũng ủng hộ lập trường này của Ukraine, đồng thời cảnh báo bất kỳ thỏa thuận nào đóng băng xung đột đều sẽ chỉ khiến Nga củng cố lực lượng trước khi bắt đầu cuộc tấn công mới.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin hầu như không có dấu hiệu cho thấy các mục tiêu của điện Kremlin đã thay đổi, chứ chưa nói đến việc rút quân khỏi Ukraine.
Kế hoạch của ông Macron sẽ dựa trên những đảm bảo an ninh dài hạn cho Ukraine nhằm ngăn cản các hành động tương lai của Nga./.