Pháp vẫn để ngỏ khả năng EU và Anh không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit
Ngày 19/6, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin thừa nhận không thể loại trừ khả năng các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Anh kết thúc mà không có thỏa thuận nào dù đây là vấn đề lợi ích đối với Anh.
Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1 khi được hỏi liệu bà có loại trừ khả năng không đạt được thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) hay không, bà Montchalin nói: "Tôi sẽ không loại trừ bất kỳ điều gì". Bà cho rằng phía Anh mới là bên cần tới một thỏa thuận vì nước này không thể chịu được cú sốc thứ hai sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ám chỉ nền kinh tế Anh đang lao đao do cuộc khủng hoảng COVID-19. Bà nói: "Họ (Anh) sẽ không được tiếp cận mạng lưới an ninh là châu Âu, họ cũng sẽ không được tiếp cận gói kích thích kinh tế".
Trong cuộc hội đàm trước đó một ngày tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit không thể bị kéo dài tới mùa Thu. Tuy nhiên, ông Montchalin khẳng định EU sẽ không chịu sức ép trước thời hạn mà Anh đặt ra, nhấn mạnh "Chúng tôi không muốn một thỏa thuận chỉ vì để có một thỏa thuận mà chúng tôi muốn một thỏa thuận cân bằng".
Trong khi đó, Đại sứ EU tại Anh Joao Vale de Almeida cho biết các cuộc đàm phán hiện vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể nào và cho rằng tháng 10 là thời hạn thực tế hơn để Anh và EU có thể tránh được một cuộc chia tay không thỏa thuận gây thiệt hại về kinh tế cho cả hai bên vào cuối năm nay.
Về phần mình, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove ngày 18/6 cảnh báo sẽ rất khó để hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit với EU trước cuối năm nay nếu hai bên không đạt được đồng thuận trước tháng 10.
Anh đã rời khỏi EU vào ngày 31/1, nhưng các cuộc đàm phán giữa hai bên cho đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể để có thể tiến đến một thỏa thuận thương mại tự do trước thời điểm kết thúc thời kỳ chuyển tiếp vào tháng 12 tới. Bất cứ thỏa thuận nào cũng cần phải được cả hai bên phê chuẩn, và quá trình này sẽ phải mất đến nhiều tháng tại EU với 27 nước thành viên. Hiện tiến trình đàm phán đang bị cản trở do các vấn đề như quyền tiếp cận đánh bắt cá của EU tại vùng lãnh hải của Anh, sự tuân thủ của Anh đối với các quy định của EU nhằm rạo ra một sân chơi công bằng, và các chính sách về hải quan cho vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.