Phạt 200.000 đồng vụ cô gái trẻ bị cưỡng hôn trong thang máy: 'Bây giờ luật quy định sao thì phải chịu vậy thôi'
Trước một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, hành vi tiểu tiện bậy bị xử phạt 3 triệu đồng nhưng hành vi sàm sỡ cô gái trẻ trong thang máy chỉ bị xử phạt 200.000 đồng, luật sư cho rằng không đủ sức răn đe, ngăn ngừa tối đa các hành vi tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Tranh cãi việc tiểu tiện bậy bị phạt 3 triệu đồng, nhưng sàm sỡ cô gái trẻ trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng
Mới đây, vụ việc chị Phan H.V. (20 tuổi) bị người đàn ông ăn mặc lịch sự tên là Đỗ M.H. (37 tuổi, ở Hải Phòng) sàm sỡ trong thang máy chung cư Golden Palm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến dư luận tỏ ra vô cùng bức xúc.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 18/3, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cho biết, đơn vị này đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với đối tượng Đỗ Mạnh H. (SN 1982, quê Hải Phòng) về hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, quy định điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng). Theo đó, Đỗ Mạnh H. bị lập biên bản xử phạt với số tiền 200 nghìn đồng.
Ngoài ra, theo đại diện Công an quận Thanh Xuân, cơ quan công an cũng đã lập biên bản ngăn chặn, yêu cầu Đỗ Mạnh H. cam kết không tái phạm, không được có các hành vi tương tự.
Việc Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) xử phạt người đàn ông sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư Golden Palm 200 nghìn đồng khiến dư luận tranh cãi gay gắt. Về vấn đề này, chị V. cho biết bản thân không hài lòng với mức phạt trên: “Sự việc cũng không như mình mong muốn, mình cảm thấy buồn. Bất bình thì cũng có nhưng cũng không thay đổi được gì”.
Trên mạng xã hội nhiều cộng đồng mạng cho rằng, tiểu tiện bậy bị phạt 3 triệu đồng, nhưng hành vi sàm sỡ cô gái trẻ trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng.
Trước sự việc này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, ông cảm thấy rất ngỡ ngàng với sự so sánh khá sắc sảo của dư luận. “Ở góc độ người làm công tác pháp luật, tôi thấy rằng sự so sánh, đánh giá như trên là đáng. Chính nhân dân đã phát hiện ra những điều mà không dễ gì các nhà làm luật có thể thấy được”, luật sư Tú nói.
Luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng, có thể thời điểm của các văn bản ban hành khác nhau, cho nên mức xử phạt chưa được cân đối, chưa phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật.
“Rõ ràng hành vi quấy rối tình dục là hành vi nguy hiểm hơn và đáng phải xử phạt ở mức độ lớn hơn so với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, bây giờ luật quy định sao thì chúng ta phải chịu vậy, vì không có cơ sở để xử phạt nặng hơn. Về lâu dài những hành vi trên có thể được nhìn nhận để phân loại khác đi, chứ không để ở mức độ đơn giản với những hành vi đơn giản khác.
Hiện nay có một thực trạng đó là không phải các cơ quan, cụ thể ở đây là những người ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đều là những người có trình độ pháp lý cao. Mặc dù, họ có chuyên môn về lĩnh vực của họ, nhưng lại hổng về mặt luật pháp. Do đó, chất lượng xây dựng các văn bản dưới luật hiện nay đang còn nhiều băn khoăn”, vị luật sư Tú nói.
Sàm sỡ trong thang máy bị phạt 200.000 đồng không đủ sức răn đe
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc Công an quận Thanh Xuân ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người đàn ông “cưỡng hôn” cô gái trong thang máy với mức phạt tiền 200.000 đồng là đúng với quy định của pháp luật hiện hành, dù theo quan điểm của nhiều người là quá thấp.
Theo đó, chế tài mà Công an quận Thanh Xuân áp dụng là căn cứ vào Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định như sau: “Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng: 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”
“Như vậy không thể trách cứ Cơ quan Công an khi đưa ra mức xử phạt như vậy. Luật đã quy định, họ có muốn phạt nặng hơn cũng không được. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là, hành vi “cưỡng hôn” mà chúng ta thấy rõ ràng đó là việc sàm sỡ, tác động đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người khác, có phải là “Cử chỉ” hay không. Hoặc hành vi đụng chạm đến cơ thể người khác, thậm chí là những vị trí nhạy cảm, có phải là “Cử chỉ” hay không”, luật sư Giang Hồng Thanh cho hay.
Luật sư Thanh cũng nêu rõ, đương nhiên là không phải “cử chỉ” được hiểu là những động tác, hành động của chân, tay, nét mặt để biểu lộ thái độ, trạng thái tin thần của con người. Còn hành động “cưỡng hôn”, đụng chạm vào cơ thể người khác khi người đó không đồng ý, thì không phải thể coi đó là “cử chỉ”.
“Vì vậy, việc cơ quan chức năng áp dụng điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để xử phạt là một giải pháp tình thế, khi mà pháp luật hiện hành chưa có chế tài riêng biệt để xử lý hành vi đụng chạm, sờ mó vào cơ thể người khác.
Với mức hình phạt 200.000 đồng, chắc chắn sẽ không đủ sức răn đe để có thể ngăn ngừa tối đa các hành vi tương tự có thể xảy ra trong tương lai”, luật sư Thanh nêu quan điểm.
Luật sư Thanh cho rằng, tại nhiều quốc gia, hành vi “cưỡng hôn” được xếp vào loại hành động quấy rối tình dục. Mức xử phạt đối với loại hành động này khá nghiêm khắc.
“Quan điểm của tôi cho rằng, trong khi pháp luật chúng ta chưa có quy định cụ thể thế nào là quấy rối tình dục để có hình thức xử lý thích đáng, thì cơ quan Nhà nước cần bổ sung thêm chế tài đối với hành vi ‘Đụng chạm, sờ mó vào cơ thể người khác khi không được sự đồng ý của người đó’ với mức hình phạt cao hơn nhiều lần so với hành vi ‘Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác’. Như vậy mới đảm bảo việc xử lý chính xác, nghiêm minh”, luật sư Giang Hồng Thanh nói thêm.