Phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi ngoại tình là quá nhẹ

Từ ngày 1/9/2020, hành vi ngoại tình bị tăng mức phạt hành chính, theo đó hành vi vi phạm sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng (trước đây mức phạt từ 1 đến 3 triệu đồng). Quy định mới này đang nhận được sự quan tâm của nhiều người bởi chuyện ngoại tình không phải là hiếm trong xã hội hiện nay. Theo nhiều người, mức phạt như trên còn nhẹ, cần có thêm hình phạt bổ sung.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Cần nâng mức phạt cao hơn"

Chị Dương Kim Ngân (45 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận xét, việc nâng mức phạt cho hành vi ngoại tình là hợp lý. Thậm chí, theo chị Ngân, cần nâng mức phạt cao hơn. "Việc đang có vợ/chồng mà đi ngoại tình là sự suy đồi về đạo đức, không coi trọng gia đình. Tôi nghĩ cần phải xử nghiêm, thậm chí, cần có thêm các hình phạt bổ sung", chị Ngân chia sẻ.

Hình ảnh được cắt từ clip đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh người chồng ngoại tình bị vợ phát hiện nhưng quay lại đánh vợ và mẹ để bảo vệ nhân tình

Hình ảnh được cắt từ clip đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh người chồng ngoại tình bị vợ phát hiện nhưng quay lại đánh vợ và mẹ để bảo vệ nhân tình

Đồng quan điểm cần nâng mức phạt hành chính với hành vi ngoại tình, chị Phí Thu Hà (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, bi kịch của nhiều gia đình cũng từ ngoại tình mà ra. Gia đình tan vỡ, con cái ly tán, thậm chí bố/mẹ vướng vào tù tội vì ngoại tình. Thế nên, cần xử phạt nặng tay, dứt khoát đối với hành vi này.

Mới đây, mạng xã hội xôn xao lan truyền đoạn clip ghi lại sự việc một gã đàn ông lao vào đánh đập 1 người phụ nữ trên đường phố, mặc nhiều người can ngăn. Theo nội dung đoạn clip, vụ việc xảy ra trước cửa một nhà nghỉ. Người vợ cùng mẹ mình túm chặt tóc của người phụ nữ, được cho là bồ nhí, để mắng chửi và đánh đập, người mẹ còn dùng dép để tát tới tấp vào đầu người được cho là cướp chồng của con gái mình. Bất ngờ và phẫn nộ, người chồng đã thẳng tay đánh vợ và mẹ mình để giải cứu cho "bồ nhí". Để bảo vệ cho nhân tình, gã này liên tục thúc cùi chỏ vào lưng vợ, đấm vào vùng bụng và mặt vợ. Choáng váng hơn, gã này còn lấy luôn điếu thuốc đang hút trên miệng để... châm vào mặt vợ mình.

Không dễ để xử lý

Những vụ ngoại tình không hiếm trong xã hội hiện nay, ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều gia đình. Vì vậy, việc nâng mức phạt hành chính của hành vi này đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Tuy nhiên, nhiều luật sư, chuyên gia nhận xét, quy định rõ ràng nhưng để xử phạt không phải dễ.

Luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh Hải Dương), cho rằng, theo quy định hiện hành, hành vi ngoại tình nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc cả hai bên dẫn đến ly hôn, làm cho vợ, chồng hoặc con của 1 trong 2 bên tự sát.. thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 182, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chế tài xử lý hành vi này là vậy nhưng thực tế rất khó xử lý trường hợp vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu là khó xác minh căn cứ hành vi vi phạm.

Luật sư Dương Đức Trọng viện dẫn khoản 7, điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 định nghĩa "chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng". Thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ về hành vi này như "tổ chức cuộc sống chung" là chung sống một cách toàn bộ, hay thỉnh thoảng chung sống. Hoặc chung sống là cùng nhau thực hiện những hành vi như thế nào, rồi "coi nhau là vợ chồng" thì cụ thể đối xử với nhau như thế nào?

Luật sư Dương Đức Trọng cho biết, theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng chương XV "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì "chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...".

Mặc dù vậy, hiện nay Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực thi hành, được thay thế bằng Bộ luật Hình sự năm 2015. Thêm vào đó, đây là góc nhìn của quan hệ pháp luật hình sự, không phải tính chất của quan hệ pháp luật hành chính như phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

"Để bảo vệ các cuộc hôn nhân hợp pháp, cần nghiên cứu mở rộng phạm vi xử lý các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, không nên bó hẹp trong phạm vi "chung sống như vợ chồng" mới bị xử lý", luật sư Dương Đức Trọng nhấn mạnh.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng, mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Các chế tài có thể áp dụng để xử lý hành vi vi phạm bao gồm xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi đó để lại.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay các chế tài về xử phạt trong quan hệ hôn nhân gia đình đã khá đầy đủ. Theo đó, người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như đã nêu có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm nếu thuộc vào một trong hai trường hợp: Việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng làm cho một hoặc cả hai bên phải ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng mà vẫn tiếp tục vi phạm.

Như vậy, theo quy định này, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả để lại mà cá nhân có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo các khung hình phạt khác nhau.

"Có thể nói giải pháp về chế tài xử phạt là cần thiết để răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung. Tuy nhiên, việc duy trì quan hệ hôn nhân vẫn phải xuất phát từ hai phía và còn phụ thuộc vào phạm trù đạo đức. Sự can thiệp của pháp luật là quan trọng nhưng có những quan hệ trong xã hội vẫn do những quy phạm khác điều chỉnh. Việc tăng mức xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ phần nào ngăn chặn được những hành vi vi phạm nhưng không thể loại trừ hoàn toàn những vi phạm này", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020. Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, vi phạm một trong các hành vi sau sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng...

Trong khi đó, tại Nghị định 110 trước đây, các hành vi nêu trên chỉ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.

Hà Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phat-3-5-trieu-dong-doi-voi-hanh-vi-ngoai-tinh-la-qua-nhe-20200910192219906.htm