Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ,

Thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, lãnh đạo các địa phương và toàn thể quý vị đại biểu tham dự Hội nghị,

Tôi đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội và các cơ quan có liên quan đã khẩn trương chuẩn bị, giúp Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV để sớm đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua vào cuộc sống, đảm bảo sự gắn kết giữa công tác xây dựng với thi hành pháp luật.

Thưa các đồng chí,

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp” nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đáp ứng mong đợi của cử tri, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cũng có Công văn gửi các vị đại biểu Quốc hội về việc thực hiện yêu cầu này. Ngay tại Kỳ họp thứ 8, các cơ quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thể hiện trong tất cả các khâu: trình dự án, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Những kết quả, hiệu quả đạt được là rất tích cực:

1. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, là số lượng dự án luật cao nhất được thông qua tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay (từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã thông qua 61 Luật), tôi cho rằng:

Thành công của Kỳ họp thứ 8 do nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do có sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm; sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan; sự ủng hộ chủ trương đổi mới trong xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của các vị đại biểu Quốc hội.

Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, của doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, qua thực tiễn hoạt động; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị cho Kỳ họp:

Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ đã tổ chức 2 cuộc họp; đặc biệt tổ chức cuộc trước ngày khai mạc Kỳ họp hơn 01 tháng để rà soát các nội dung của Kỳ họp; 01 cuộc họp trước khai mạc Kỳ họp 01 tuần để thống nhất lần cuối về dự kiến Chương trình Kỳ họp và các nội dung báo cáo Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ thường xuyên trao đổi với Lãnh đạo Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và các đại biểu dự hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và các đại biểu dự hội nghị.

Đổi mới trong công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết trên tinh thần đồng hành thực chất, tranh luận đến cùng, tôn trọng lắng nghe, lý lẽ dân chủ nhưng phải đi đến phương án thống nhất tối ưu để thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Bộ Chính trị.

Các dự thảo báo cáo, tờ trình, luật, nghị quyết được kịp thời gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến. Rút ngắn thời gian trình bày tờ trình, báo cáo, dành thời gian cho Quốc hội thảo luận, các cơ quan phát biểu, giải trình; giảm thời gian thảo luận tại hội trường, tăng thời gian thảo luận tại tổ để nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu ý kiến.

Ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp báo cáo giải trình sơ bộ; tinh thần là: một ý kiến cũng phải được nghiên cứu, giải trình tiếp thu thấu đáo.

Đặc biệt là sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp, cụ thể là: Các luật ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, lược bỏ khỏi dự thảo luật những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ và cơ quan khác; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, giao quyền chủ động, đảm bảo linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

2. Trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 có những luật mới, khó, có nội dung phức tạp nhưng đã được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong một kỳ họp mà thông thường phải theo quy trình hai kỳ họp như Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Dữ liệu…

3. Các luật, nghị quyết được thông qua đã thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, chuyển tư duy từ xây dựng pháp luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả với kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, như Luật Đầu tư công, Luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, Luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách…

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

4. Các luật, nghị quyết được sửa đổi, ban hành cũng bám sát yêu cầu triệt để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là thí điểm chính sách mới, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa...

5. Với tinh thần xây dựng luật ngắn gọn để đảm bảo tính ổn định, giá trị lâu dài, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan rà soát đưa ra khỏi dự thảo các luật, nghị quyết nhiều quy định cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Nhiều luật sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã giảm đáng kể số lượng các chương, điều, khoản so với dự thảo trình ban đầu như: Luật Công chứng giảm 2 chương, 3 điều, Luật Điện lực giảm 49 điều, Luật Việc làm giảm 36 điều, Luật Nhà giáo giảm 21 Điều; Luật Đầu tư công giảm 9 Điều; Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn giảm 6 Điều; Luật Dữ liệu giảm 5 Điều …

Thưa các đồng chí,

Qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ở trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết. Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2.2025, đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan cần quan tâm một số vấn đề như sau:

1. Đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 02 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.642 văn bản cấp bộ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan đề nghị khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể (có thể áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các nội dung cần xử lý) để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình; cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay sau Hội nghị Trung ương, kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường cuối tháng 2.2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.

2. Đối với việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương có Quyết định ban hành danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết đối với toàn bộ các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Do số lượng nội dung, văn bản quy định chi tiết cần được ban hành khá nhiều, riêng đối với 18 luật, Chính phủ, các Bộ cần ban hành 127 văn bản, một số luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2025, đề nghị từng Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần bám sát yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tập trung chỉ đạo để xây dựng, ban hành văn bản đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Tôi đã nêu nhiều lần về việc tăng cường trách nhiệm của các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng trong trực tiếp chỉ đạo, thực hiện trong quá trình xây dựng pháp luật; chất lượng ban đầu khi cơ quan chủ trì trình các dự án luật là hết sức quan trọng, quyết định rất lớn đến chất lượng thực hiện các quy trình sau này cũng như "tuổi thọ" của các luật.

Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không tránh khỏi có sự xáo trộn nhất định trong tổ chức, hoạt động của một số Bộ, cơ quan. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản; sau sắp xếp, cơ quan mới tiếp nhận nhiệm vụ cần kế thừa kết quả, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đúng thời hạn.

Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15, đến hết ngày 20.12.2024, đã có 140/156 nhiệm vụ lập pháp hoàn thành theo kết luận 19 của Bộ Chính trị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV (đạt 89,74%). Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên theo dõi, chủ động phối hợp, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; phối hợp với các Bộ kịp thời kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh, coi đây là công tác trọng tâm của các tháng đầu năm 2025.

3. Về việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gắn với công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 9

Đây là kỳ họp cũng có khối lượng công tác lập pháp rất lớn. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 15 dự án luật, chưa kể còn một số dự án Chính phủ đang xem xét để tiếp tục đề nghị bổ sung vào Chương trình. Sau kỳ họp bất thường cuối tháng 2.2025 chỉ còn hơn 2 tháng là bước vào Kỳ họp thứ 9, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội ngay từ tháng 12 này để tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý các dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời tập trung chuẩn bị, hoàn thiện các dự án được giao chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại các phiên họp tháng 2 và tháng 3/2025, tránh để dồn vào các phiên họp sát thời gian khai mạc Kỳ họp thứ 9. Đảm bảo đúng thời gian theo quy định về việc gửi tài liệu là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tới đại biểu Quốc hội; chậm nhất trước 7 ngày khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, đảm bảo luật có tính ổn định, có giá trị lâu dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quy định để linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Chú trọng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, sự nhất quán về chính sách, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.

Thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; kịp thời sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp theo Nghị quyết số 27 của Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Trên tinh thần phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương tăng cường công tác phối hợp trong việc khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các luật, nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình địa phương; gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật và giám sát việc thực hiện để các luật, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả kiến tạo phát triển, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của từng địa phương và cả nước. Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ các địa phương; chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức Đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Trước thềm năm mới 2025 và chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin kính chúc đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, lãnh đạo các địa phương và toàn thể quý vị đại biểu một năm mới An khang, Thịnh vượng, luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành công mới.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/su-kien-noi-bat.aspx?itemid=91906