PHÁT BIỂU CỦA PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU TẠI HỘI THẢO 'ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỮU THỌ VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ QUÊ HƯƠNG LONG AN'
Ngày 06/7 tại Long An, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: 'Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An'. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại Hội thảo.
Thưa các quý vị đại biểu và các nhà khoa học,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, hôm nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Long An phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với Cách mạng Việt Nam và quê hương Long An”. Thay mặt các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, tôi xin nhiệt liệt chào mừng, trân trọng cảm ơn và kính chúc các vị khách quý, các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ sinh ra trong một gia đình công chức trung lưu ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An), những năm tháng tuổi thơ của ông được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu của cha mẹ cùng với những câu chuyện về bao con người của quê hương sống mộc mạc, giản dị nhưng hào hiệp và hiên ngang.
Mùa hè năm 1921, khi mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ một mình xuống tàu thủy, rời cảng Sài Gòn sang Pháp du học. Năm 1928, ông vào học tại Khoa luật Đại học Luật khoa và Văn khoa Aix en Provence (ếch xăng pro văng) miền Nam nước Pháp. Năm 1932, ông hoàn thành khóa học với tấm bằng Cử nhân Luật loại xuất sắc. Đây là thời điểm đánh dấu bước trưởng thành của người trí thức yêu nước, về sau trở thành người cộng sản kiên trung, nhà cách mạng nổi tiếng của Đảng và dân tộc ta. Sau mười mấy năm xa gia đình, xa Tổ quốc, tháng 5.1933 Nguyễn Hữu Thọ rời nước Pháp trở về quê hương. Sau 5 năm tập sự, ông vượt qua kỳ sát hạch của Luật sư đoàn và trở thành một luật sư thực thụ. Mới 30 tuổi nhưng Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành Luật sư có danh tiếng và mở rất nhiều văn phòng Luật sư riêng ở Vĩnh Long và Cần Thơ.
Đứng trước những biến động lịch sử xảy ra dồn dập trong những năm 1940 - 1945 ông đã bị lôi cuốn tham gia vào các hoạt động yêu nước đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ. Với vai trò một luật sư, ông hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức, phản đối hành động xâm lược, chia rẽ dân tộc của Thực dân Pháp và bọn tay sai.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ông trở thành một trí thức yêu nước ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng góp sức lực trí tuệ cho công cuộc xây dựng nước Việt Nam mới. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi thực dân Pháp trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức: biện hộ trước tòa cho đồng bào, đồng chí bị bắt; ký tên vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn đòi chính phủ Pháp thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa để sớm chấm dứt chiến tranh; tham gia Hội Liên Việt; biên soạn và xuất bản sách “Nam Bộ tự do” …
Ngày 16/10/1949, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được vinh dự kết nạp vào Đảng. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Từ chủ nghĩa yêu nước, ông đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành ngọn cờ đoàn kết, quy tụ quần chúng, học sinh, sinh viên và trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Bằng uy tín cá nhân, tài năng tổ chức, ông đã đưa cuộc đấu tranh vào tận sào huyệt của địch và liên tiếp giành được thắng lợi.
Do những hoạt động yêu nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhiều lần bị địch bắt. Hơn chín năm bị chính quyền thực dân thân Pháp rồi chính quyền thân Mỹ quản thúc lưu đày, từ ngã ba biên giới Mường Tè, Lai Châu vùng Tây Bắc tới vùng cao huyện Củng Sơn, Phú Yên; vượt qua bao nhiêu thủ đoạn dọa nạt, mua chuộc, khủng bố và lừa bịp của kẻ thù, lòng trung thành với Đảng, với nước, với dân của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ không hề lay chuyển.
Tháng 2/1962, tại Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam ông được giới thiệu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam.
Trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ không ngừng quan tâm chỉ đạo mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời chú trọng đến việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Ông đã nhiều lần đi thị sát, trực tiếp đến thăm hỏi động viên các đơn vị quân giải phóng miền Nam; cùng các tướng lĩnh trong Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam bàn bạc, xây dựng kế hoạch nhằm phá vỡ “quốc sách ấp chiến lược” của Mỹ - Diệm, đồng thời tăng cường lực lượng, đẩy mạnh hoạt động vũ trang. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã góp phần làm nên những chiến thắng vang dội của quân và dân miền Nam: chiến thắng Ấp Bắc (1.1963); Ba Gia, Bình Giã (1964) đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đẩy Mỹ rơi vào thế lúng túng chống đỡ.
Tháng 11/1964, Đại hội lần thứ II Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhất trí bầu lại đồng chí Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Có sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã góp phần to lớn vào việc động viên quân và dân miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris với sự có mặt của đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tháng 6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam tổ chức và ra nghị quyết thành lập Chính phủ lâm thời Cách mạng Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đại hội nhất trí bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn. Với cương vị người đứng đầu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông đã lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam tập hợp, đoàn kết, động viên quân và dân miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang, chính trị, ngoại giao, binh vận gay go và ác liệt bậc nhất trong thế kỷ XX giành nhiều thắng lợi to lớn, từ chiến thắng Đường 9 Nam Lào, đến chiến thắng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế và cuối cùng là cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 25/4/1976, Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất được tổ chức thành công rực rỡ trên phạm vi toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được giới thiệu ứng cử ở Sài Gòn và trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa VI với số phiếu rất cao. Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VI (tháng 6/1976), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước phụ trách vấn đề luật pháp và đối ngoại của nhà nước, từ tháng 4/1980 đến tháng 7/1981 ông giữ Quyền Chủ tịch Nước. Trên cương vị Phó Chủ tịch Nước, ông cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em và bạn bè đã nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cùng với Đảng và Chính phủ, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã lãnh đạo Nhân dân cả nước tái thiết và xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, tìm phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trong giai đoạn này là ông đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Với uy tín và kiến thức luật học uyên bác của mình, ông cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tham gia soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi và đã có những ý kiến sâu sắc và xác đáng trong các cuộc họp của Ban dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự hình thành bản Hiến pháp mới trình Quốc hội vào năm 1980. Đây là bản Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 26/4/1981 diễn ra cuộc cử bầu Quốc hội khóa VII của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ ứng cử tại quê nhà Long An và trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa VII. Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VII ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Với vai trò là Chủ tịch Quốc hội khóa VII và cũng là Đại biểu quốc hội khóa VI, VII, VIII, điều ông băn khoăn hơn cả là làm sao Quốc hội phải thực hiện trọng trách của một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, khẳng định chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động giám sát đạt hiệu quả. Những luật và pháp lệnh đã được ban hành nói chung có chất lượng phù hợp với đòi hỏi của tình hình đất nước, đáp ứng một bước yêu cầu về quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đây là thành quả đáng kể của Quốc hội và các cơ quan nhà nước, đánh dấu mốc quan trọng về hoạt động lập pháp của Quốc hội nước ta. Trong công tác xây dựng pháp luật, đồng chí luôn coi trọng nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, phát huy trí tuệ của Nhân dân, của các cấp, các ngành.
Thực hiện chức năng của Quốc hội, ông cũng đã hướng trọng tâm vào việc thảo luận và quyết định những vấn đề lớn trọng yếu thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, đến việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, quan trọng nhất là kế hoạch Nhà nước, ngân sách Nhà nước và các vấn đề nóng bỏng có liên quan đến quốc kế dân sinh, đến việc bảo đảm quyền làm chủ tập thể của người dân lao động. Ông cũng khuyến khích các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, chú ý thực hiện quyền chất vấn, thẳng thắn đóng góp ý kiến xây dựng đối với công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật của Hội đồng Bộ trưởng.
Không chỉ quan tâm đến vấn đề lý luận, ông rất quan tâm và gần gũi với đời sống của người dân. Ông thường xuyên đi thăm các địa phương, về các cơ sở sản xuất để nắm tình hình, tìm hiểu đời sống, cách quản lý kinh tế, việc thực hiện pháp luật, tôn trọng quyền dân chủ của người dân. Những năm đầu đổi mới, nhằm xóa bỏ cơ chế bao cấp, ông đã chủ động đề nghị nên giao khoán sản phẩm cho người dân, giao quyền tự chủ cho họ, tạo điều kiện cho người lao động làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội và nâng cao đời sống bản thân, gia đình.
Tại Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1988) ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cương vị mới, ông đã dành thời gian đi các địa phương tìm hiểu thực trạng, tháo gỡ khó khăn của công tác Mặt trận với mong muốn Mặt trận phải thực sự là nơi hội tụ trí tuệ, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, là trung tâm tập hợp đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc… Nhờ đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau Đại hội III đã có sự khởi sắc, xác lập được rõ hơn vị thế của mình trong hệ thống chính trị.
Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng đồng chí đã từ trần vào ngày 24.12.1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Ðảng, Nhà nước, Mặt trận, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Ðồng thời, đồng chí đã để lại tấm gương sáng ngời về nhân cách, phẩm chất của người trí thức yêu nước, người chiến sĩ cộng sản chân chính, kiên trung và người lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu. Nhận xét về đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: "Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vươn khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính".
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Với tuổi đời 86 và hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho dân tộc, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, với những cương vị khác nhau, qua các thời kỳ lịch sử đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học cao quý. Nhân dân ta và bạn bè trên thế giới sẽ mãi ghi nhớ người con trung hiếu của dân tộc Việt Nam, một nhà trí thức lớn yêu nước tiêu biểu, đã cống hiến trọn vẹn tài năng và kinh nghiệm của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của ông. Cuộc hội thảo hôm nay vừa có ý nghĩa tưởng niệm, vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh anh dũng của Nhân dân ta. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự hào của mỗi người dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các vị đại biểu, các nhà khoa học và sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức, tôi tin rằng Hội thảo của chúng ta sẽ có những đóng góp để góp phần làm sáng tỏ hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp cao quý và những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam và cho quê hương của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ.
Trên tinh thần đó, tôi xin trân trọng khai mạc Hội thảo “Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ”
Kính chúc các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và các đồng chí dồi dào sức khỏe và đạt được nhiều thành công mới trong công tác. Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn !
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=46855