Phạt đến 100 triệu đồng nếu đe dọa tính mạng nhà báo

Đe dọa tính mạng nhà báo bị phạt hành chính đến 100 triệu đồng, sử dụng trái phép thông tin người khác bị phạt tới 60 triệu đồng là những quy định quan trọng tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP mới được ban hành.

Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 119/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Điểm d khoản 9 Điều 2 Nghị định này nêu rõ, phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (trước đây mức phạt với hành vi này chỉ từ 40 - 60 triệu đồng).

Bên cạnh đó, Nghị định 14/2022 còn tăng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi khác liên quan đến hoạt động báo chí như:

Phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên (Trước đây chỉ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng)

Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên thì bị (Trước đây chỉ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng).

Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên (Trước đây chỉ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng)

Các mức phạt trên được áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.

Nhà báo tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh phức tạp vô cùng vất vả (ảnh minh họa)

Nhà báo tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh phức tạp vô cùng vất vả (ảnh minh họa)

Ngoài ra, một trong những nội dung đáng chú ý nữa của Nghị định 14/2022 là tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng trái phép thông tin người khác.

Khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022 sửa đổi, bổ sung tiêu đề khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020 quy định, phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;

Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;

Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Như vậy, hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng thay vì mức 20 - 30 triệu đồng theo quy định trước đó.

Mặt khác, Nghị định số 14/2022 còn bổ sung Điều 4a vào Nghị định số 15/2020 về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định này quy định tạm giữ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", tên miền quốc tế phân bổ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính đối với một trong các hành vi sau:

Cung cấp, truyền đưa, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;

Cung cấp, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, không phù hợp với lợi ích của đất nước, gây ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại truyền thống lịch sử, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc...

Cung cấp, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

L.H

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phat-den-100-trieu-dong-neu-de-doa-tinh-mang-nha-bao-post495238.antd