Phát điện tái tạo: Không thể chậm trễ

Khi vào cao điểm mùa nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch. Trong khi đó, một nghịch lý là điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) lại đang thừa. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng không nên chậm trễ thêm nữa mà cần nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư. Việc sớm huy động các nguồn điện tái tạo sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung điện.

Cần các giải pháp linh hoạt gỡ khó cho năng lượng tái tạo nhằm ổn định nguồn điện quốc gia.

Cần các giải pháp linh hoạt gỡ khó cho năng lượng tái tạo nhằm ổn định nguồn điện quốc gia.

Cắt điện luân phiên hay để bảo trì?

Tổng công ty điện lực ở một số tỉnh, thành phố đã thông báo lịch cắt điện những ngày vừa qua với lý giải nhiều khu vực phụ tải lớn cần được bảo trì hoặc luân phiên cắt giảm để đảm bảo an toàn điện lưới. Dù vậy, theo ghi nhận nhiều khu vực ở Hà Nội, Bắc Giang, TPHCM xuất hiện tình trạng mất điện nhiều tiếng đồng hồ, gây xáo trộn sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất kinh doanh.

Tại Hà Nội, ngày 3/6, tình trạng cắt điện để bảo trì diễn ra ở một số địa điểm thuộc các huyện như: Thanh Oai, Quốc Oai, Mỹ Đức, Hoài Đức, Thường Tín... Người dân phải chịu cảnh cắt điện đến 23h30. Trước đó, tình trạng này cũng diễn ra tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây. Nhiều địa điểm tại quận Hoàn Kiếm cũng bị cắt điện. Tại quận Hoàng Mai, một phần phường Giáp Bát tạm ngưng cấp điện từ 3h30 -11h liên tiếp 2 ngày. Tại quận Long Biên, nhiều tổ dân phố tại các phường Thạch Bàn bị cắt điện từ sáng tới giữa chiều…

Tình trạng cắt điện khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, chị Nguyễn Thị Hằng, tổ dân phố số 5 phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm than thở về lịch cắt điện từ 4 giờ sáng nên gia đình chị cũng như dân cư của khu phố bị ảnh hưởng tới sinh hoạt. “Cả nhà tôi dậy từ sớm vì điều hòa ngưng chạy, nấu cơm cũng chuyển sang nồi gang để nấu bếp gas. Nhiều nhà hàng xóm đã chuyển sang đun nấu bằng bếp từ phải ra ngoài ăn hàng”, chị Hằng cho biết.

Tương tự, chị Trần Ngọc Yến, chủ tiệm cắt tóc trên phố Lê Duẩn cũng bức xúc: Giá thuê cửa hàng đắt đỏ, tiền thuê nhân viên… nên việc cắt điện khiến công việc của tôi ngưng trệ, ảnh hưởng lớn tới thu nhập.

Tại Bắc Giang, ngày cao điểm toàn bộ khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và khu công nghiệp Vân Trung cũng bị cắt toàn bộ phụ tải. Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết 2 khu công nghiệp trên tiêu thụ khoảng 3,6 triệu kWh điện mỗi ngày, nếu không ngừng cung cấp điện tại đây, toàn bộ khu vực dân sinh và doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh phải bị ngắt điện. Đại diện Điện lực Bắc Giang phản hồi, chưa biết khi nào chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung ứng điện vì phải phụ thuộc vào thời tiết.

Còn tại TPHCM - nơi đông dân nhất nước, một số khu vực bị cắt điện vào ban ngày như: huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn, Quận Tân Bình, Quận 3… phổ biến khung giờ từ sáng đến trưa. Không có điện, một số hàng quán đã thông báo tạm ngưng hoạt động kinh doanh trong thời gian mất điện.

Giải thích hiện tượng trên, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội và TPHCM cùng cho biết, đã ghi nhận lượng điện tiêu thụ ở mức cao liên tiếp các ngày qua. Một số đường dây, trạm biến áp vận hành bị quá tải ở một số thời điểm. Các lịch tạm ngừng cấp điện trên địa bàn các thành phố là để phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng, cải tạo hệ thống lưới điện nhằm đảm bảo vận hành cung ứng điện được an toàn, ổn định.

Tuy vậy, nhiều ý kiến băn khoăn không biết có phải do nguồn thiếu nên ngành điện buộc phải cắt điện luân phiên nhưng “ngại” nói ra. Trong khi đó, giới chuyên gia lại sốt ruột bởi thực tế các nguồn điện tái tạo lại đang thừa. Ngành chức năng không nên chậm trễ thêm nữa mà cần nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch nhằm ổn định nguồn cung của hệ thống điện quốc gia.

Chuyển đổi năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu.

Chuyển đổi năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu.

Cần giải pháp linh hoạt

Mới đây, Bộ Công Thương vừa ra 2 văn bản nóng nhằm gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo. Theo đó, Bộ đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nhằm sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện và khai thác tài nguyên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, vấn đề thiếu điện đã được rất nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta đang đứng trước nguy cơ thiếu điện, mà hàng chục dự án điện gió, mặt trời vẫn nằm chờ thủ tục vận hành thương mại để bổ sung cho nguồn điện quốc gia? Vì sao giá điện năng lượng tái tạo lại thấp hơn một số loại hình nhiệt điện dầu, than trong khi chủ trương là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo?... Một số ý kiến cho rằng, giải pháp lâu dài cho ngành điện là cần nghiên cứu, tìm ra phương án tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng, có thể tìm nguồn nhiên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất. Trong đó, cần có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện.

Đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Theo Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến 17h30 ngày 2/6, đã có 65/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3643,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

Ngoài ra, có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Cũng theo EVN, hiện 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cũng nêu thực trạng, những năm gần đây, nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió công suất lớn đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành phát điện. Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình truyền tải điện không đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến EVN phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy, gây lãng phí tài nguyên và thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Việt Nam đang trong tình trạng thiếu điện và phải nhập khẩu điện từ nước ngoài. “Theo số liệu, hiện nay chúng ta nhập 1.272 MW, dự kiến đến năm 2030 nhập 5.743 MW. Những bất cập nêu trên có tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp và môi trường đầu tư”, ông Hiển thông tin.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra giải pháp để làm sao hài hòa giữa bên mua điện, các nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Hiện rào cản lớn nhất của việc phát điện tái tạo lên lưới điện quốc gia là ở khâu nào? TS Ngô Tuấn Kiệt - Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng, nhận định: Vướng mắc lớn nhất hiện nay giữa EVN và chủ đầu tư các dự án điện tái tạo chuyển tiếp hiện nay là giá mua điện. Trong khi chờ phương pháp tính giá chính thức, EVN đề xuất tính giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện theo quy định của Bộ Công Thương. Nhưng các chủ đầu tư lại đề nghị mức giá cao hơn. EVN đang lỗ nên cũng không có dòng tiền để đáp ứng nhu cầu của các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo. “Giá điện phải đảm bảo sao cho nhà đầu tư có lợi nhuận, EVN phải đảm bảo sản xuất kinh doanh. Phương pháp tính giá trong trường hợp này không phải như cũ nữa. Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương có cách tính giá mới. Việc đàm phán giá cuối cùng vẫn phải chờ chính sách, nên bị chậm trễ”, ông Kiệt nêu.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Không phải cứ nhà máy điện mặt trời, điện gió nào làm ra là EVN sẽ phải ký hợp đồng hợp đồng mua bán điện (PPA), mà việc này phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Về phía nhà đầu tư, ông Trần Minh Tiến - đại diện chủ đầu tư 4 dự án điện gió tại Quảng Trị và Gia Lai kiến nghị, Bộ Công Thương sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 và Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 theo Thông báo 182 và ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định để các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp sớm có giá mua bán điện chính thức.

Dù vậy, theo chuyên gia năng lượng - TS Trần Văn Bình, tình trạng thiếu điện trở nên rõ ràng hơn trong những ngày nắng nóng đang diễn ra, khi lưu lượng nước về các hồ thủy điện được EVN thông tin đã xuống rất thấp, cùng đó là thiếu các nguồn điện mới đưa vào. Do vậy, việc chậm đàm phán giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp thời gian qua khiến áp lực thiếu điện càng tăng. Giải pháp trong lúc này cần linh hoạt nhằm sớm đảm bảo nguồn cung điện quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Minh bạch chính sách phát triển năng lượng tái tạo

Chuyển đổi năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu mà chúng ta đã cam kết để tới đây giảm các nguồn năng lượng hóa thạch phát thải CO2. Theo đó, lĩnh vực năng lượng là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng phát thải CO2 rất lớn. Chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo là một định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, chủ trương là một chuyện, việc triển khai thực hiện cho hiệu quả, đòi hỏi đồng bộ cơ chế chính sách. Đặc biệt về quy hoạch, quy hoạch phải làm sao mà xây dựng một cách đảm bảo về mặt tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với chiến lược.

Một vấn đề cốt lõi là nguồn điện từ năng lượng tái tạo không có tính ổn định, đi kèm với năng lượng tái tạo thì phải có hệ thống phát nền để đảm bảo an toàn hệ thống điều độ. Nền ấy phải đảm bảo được những thời điểm năng lượng tái tạo không phát được thì bên này phải bù vào được. Vì vậy chính sách làm sao để hài hòa giữa các bên. Để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo cũng có động lực để duy trì và nhà đầu tư nền cũng được khuyến khích.

Do vậy, để cân đối hợp lý, hài hòa trong điều kiện kỹ thuật, điều kiện nền kinh tế của chúng ta hiện nay là một thách thức. Nếu tính toán không tốt mà năng lượng tái tạo phát triển quá bùng nổ dẫn đến tỷ lệ năng lượng tái tạo quá lớn, sẽ gây nguy cơ là rã lưới hay mất điện đột ngột trong trường hợp điều kiện thời tiết thay đổi. Việc tính toán, giải bài toán này đã là một thách thức nhưng trong quá trình triển khai để thực thi thì cũng đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, công tâm và trách nhiệm.

PGS.TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Bài học cho nhà đầu tư

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết trong công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu, giá thành sản xuất năng lượng tái tạo trong thời gian qua. Việc dự báo không sát, chính sách thay đổi liên tục gây nên tình trạng quy hoạch đã công bố nhưng phải điều chỉnh, sửa đổi liên tục.

Đây cũng là bài học cho nhà đầu tư khi bỏ tiền xây dựng dự án nhưng bỏ qua việc thực hiện nhiều quy định của pháp luật.

Cần phải thận trọng hơn khi đưa ra các phương án đầu tư, nhất là việc kiểm soát cơ chế tài chính. Đặc biệt nhà đầu tư cần phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo yêu cầu pháp lý để việc triển khai dự án được lành mạnh, hiệu quả hơn, tránh những rủi ro và hệ lụy mà chúng ta đang thấy hiện nay thì việc xử lý sẽ rất khó khăn.

H.NHÂN - M.DUY

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phat-dien-tai-tao-khong-the-cham-tre-5719665.html